An toàn giao thông

Nỗ lực xóa bỏ đường ngang dân sinh tự mở, đảm bảo an toàn giao thông

Vĩnh Phúc

Tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và từng bước xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tình trạng đường ngang dân sinh, lối đi tự mở tại các điểm giao cắt với đường sắt diễn ra hết sức phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra. Trước thực trạng trên, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và từng bước xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai qua tỉnh Vĩnh Phúc dài gần 35 km với 34 điểm giao cắt, trong đó có 17 điểm giao cắt với đường ngang hợp pháp và 17 đường ngang không phép gây nguy hiểm cho người, phương tiện khi tham gia giao thông, nằm trên địa bàn các xã, phường: Trưng Nhị (thành phố Phúc Yên); Sơn Lôi, Quất Lưu (huyện Bình Xuyên); Tích Sơn, Định Trung, Đồng Tâm (thành phố Vĩnh Yên); Chấn Hưng, Yên Lập, Việt Xuân (huyện Vĩnh Tường). Trong số 17 đường ngang không phép, có 12 lối đi cần xóa bỏ thuộc trách nhiệm của tỉnh Vĩnh Phúc và 5 lối đi cần nâng cấp thành đường ngang có người gác hoặc cảnh báo tự động thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải.

Trong tháng 7 và tháng 8/2024, tại lối đi tự mở qua đường sắt ở Km 55+430 thuộc địa bàn phường Định Trung (thành phố Vĩnh Yên) đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông liên quan đến tàu hỏa, khiến 3 người bị thương, 2 xe ô tô bị hư hỏng nặng, đầu tàu hỏa bị hư hỏng nhẹ; gây ách tắc giao thông cục bộ. Nguyên nhân được xác định là do các tài xế ô tô cố vượt đường sắt không quan sát. Trước thực trạng đó, trong tháng 8/2024, UBND thành phố Vĩnh Yên phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt, góp phần bảo đảm an toàn giao thông đường sắt.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Vĩnh Phúc, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xóa 8 lối đi tự mở tại thành phố Phúc Yên, thành phố Vĩnh Yên, huyện Tam Dương. Còn 4 lối đi tự mở thuộc địa phận huyện Bình Xuyên và Vĩnh Tường chưa thực hiện xong. Nguyên nhân chủ yếu do các lối đi tự mở nằm trong các dự án đường bộ song song với đường sắt đang triển khai, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn nên đến nay, chủ đầu tư, đơn vị thi công các dự án chưa thể triển khai đoạn đường đi qua các lối đi tự mở nên các lối đi này chưa được xóa bỏ.

Đối với 5 lối đi tự mở thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải ở các vị trí gồm: km39+830, km43+265, km48+770, km66+860, km67+252 cần nâng cấp thành đường ngang có người gác và hầm chui từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn. Tuy nhiên, đến nay, cả 5 lối đi tự mở này chưa được thực hiện, do chưa được bố trí kinh phí.

Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông tại các nút giao đường sắt, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các huyện, thành phố lắp đặt hệ thống biển báo, gờ giảm tốc, đèn cảnh báo tại các lối đi tự mở. Tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường sắt; các quy định của pháp luật, hình thức xử lý đối với trường hợp cố tình phá bỏ rào chắn, tự ý mở các lối đi tự phát qua đường sắt; hướng dẫn người dân không lưu thông qua các lối đi tự mở đã được xóa bỏ; không tự ý phá dỡ rào chắn tại các lối đi tự mở đã được xóa bỏ; không tự mở mới các lối đi qua đường sắt khi các lối đi tự mở hiện trạng đã được xóa bỏ. Đồng thời, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt; kịp thời phát hiện các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông để kiến nghị khắc phục./.

Nguyễn Thị Thảo

Xem thêm