Xe tự chế, xe chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ách tắc giao thông.
Những chiếc xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh len lỏi trên các ngả đường không chỉ khiến người tham gia giao thông khiếp sợ, bức xúc mà còn khiến lực lượng chức năng rất vất vả trong kiểm tra, xử lý. Đã có nhiều vụ người đi đường bị thương khi bị va quẹt vào xe những tấm tôn, sắt quá dài… Những tháng cuối năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao, khiến gia tăng các xe tự chế, xe chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ách tắc giao thông.
Xe chở hàng cồng kềnh vẫn lưu thông
Giải quyết vấn đề này, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, các loại xe tự chế, chở hàng cồng kềnh vẫn tiếp tục tung hoành trên phố.
Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thường xuyên, cao điểm tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo đảm tốt hơn tình hình trật tự, an toàn giao thông.
Những ngày cuối tháng 9/2024, Tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông Đường bộ số 10, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, xử lý 3 trường hợp xe ba bánh tự chế, xe chở hàng cồng kềnh và xe kéo theo phương tiện khác lưu thông trên đường gây mất an toàn giao thông.
Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 cũng đã lập chốt xử lý phương tiện chở hàng cồng kềnh tại phố Xã Đàn, quận Đống Đa. Tổ công tác phát hiện trường hợp điều khiển xe mô tô 30X1-27xx, chở người ngồi trên xe mang theo 1 thang nhôm (cao khoảng 3m tính từ mặt đất) vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tổ công tác đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ giấy phép lái xe để xử phạt.
Theo một số tổ, đội Cảnh sát giao thông đường bộ thêm, cũng có nhiều tài xế vi phạm lỗi chở hàng cồng kềnh đã viện lý do vì đây là yêu cầu của khách, phải chở hết trong 1 lượt,... Nhưng khi bị lực lượng chức năng hỏi về việc nếu bị xử phạt thì ai chịu trách nhiệm, đa phần đều thừa nhận bản thân tự chịu, khách sẽ không hỗ trợ.
Theo số liệu của Công an thành phố Hà Nội, trong tháng 9/2024, toàn thành phố ghi nhận 112 vụ tai nạn giao thông, làm 55 người chết và 88 người bị thương. Lực lượng chức năng đã xử lý 27.105 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ - đường sắt - đường thủy, xử phạt hàng chục tỷ đồng.
Lực lượng chức năng đã vận động người dân tự tiêu hủy hoặc giao nộp tổng cộng 9 phương tiện ba bánh tự chế, xử lý 466 trường hợp (55 trường hợp xe 3, 4 bánh tự sản xuất lắp ráp; 259 trường hợp xe mô tô vi phạm chở hàng "cồng kềnh", 152 trường hợp kéo theo xe khác, vật khác) và tạm giữ 68 phương tiện.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Việc điều khiển xe ba bánh tự chế, xe mô tô chở hàng hóa cồng kềnh, kéo theo xe khác... tham gia giao thông là hành vi vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Theo Trung tá Đặng Hồng Giang, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền các quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ. Người vi phạm đều nhận thức được hành vi chở hàng hóa "cồng kềnh" là nguy hiểm cho chính mình và bản thân, tuy nhiên việc chấp hành còn hạn chế. Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường lực lượng kiểm tra xử lý quyết liệt các vi phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Đại úy Nguyễn Anh Đức, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 10, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, cho biết: "Thực hiện kế hoạch của Công an thành phố, đơn vị thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm xe bánh tự chế, xe chở hàng hóa cồng kềnh kéo theo xe khác tham giao thông.
"Người dân cần nắm rõ quy định của pháp luật trong vận tải hàng hóa bằng phương tiện để đảm bảo quy định pháp luật cũng như bảo đảm an toàn cho mình và người khác khi tham giao thông", Đại úy Nguyễn Anh Đức khuyến cáo.
Chở hàng cồng kềnh trên phương tiện giao thông là vận chuyển các mặt hàng có kích thước hoặc trọng lượng lớn mà vượt quá các giới hạn kích thước hoặc trọng lượng tiêu chuẩn của phương tiện đó. Điều này thường dẫn đến việc hàng hóa lấn chiếm không gian lưu thông, có thể gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho các phương tiện và người tham gia giao thông khác.
Theo quy định tại Điểm k Khoản 3 và điểm c Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP xe máy chở hàng cồng kềnh bị phạt tiền từ 400.000đ – 600.000đ. Đồng thời cảnh sát sẽ xem xét thêm các vi phạm liên quan đến việc cải tạo xe sai quy định (nếu có)./.
- Từ khóa:
- Chở hàng cồng kềnh
- Hà Nội
- xỷ lý