“Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững” là thông điệp mạnh mẽ và yêu cầu khẩn thiết đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 28/9, tại Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội nghị quốc tế Khoa học Nông nghiệp 2024 (ICAS2024) với chủ đề “Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững”.
Hội nghị được tổ chức hai năm một lần, thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước, nhằm thảo luận về tương lai của ngành nông nghiệp trong bối cảnh những thách thức về khí hậu ngày càng gia tăng; trao đổi kiến thức, trình bày nghiên cứu tiên tiến và giới thiệu các giải pháp sáng tạo.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Vàng, Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ) nhấn mạnh: “Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững” là thông điệp mạnh mẽ và yêu cầu khẩn thiết đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi được coi là trung tâm nông nghiệp của Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất 50% sản lượng gạo của cả nước và đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu, là nền tảng đảm bảo an ninh lương thực cho cả thị trường Việt Nam và quốc tế.
Ngoài ra, khu vực này đóng góp 70% sản lượng trái cây của Việt Nam, với các mặt hàng xuất khẩu có giá trị như xoài, thanh long và sầu riêng. Chăn nuôi cũng quan trọng không kém, chiếm 30% sản lượng nông nghiệp của vùng về chăn nuôi lợn, gia súc, gia cầm.
Vai trò quan trọng là vậy, nhưng hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với nhiều thách thức đe dọa tính bền vững của nông nghiệp. Biến đổi khí hậu đang có tác động sâu sắc, với mực nước biển dâng cao, xâm nhập mặn và các hình thái thời tiết khó lường, gây ra rủi ro nghiêm trọng cho cả sản xuất cây trồng và chăn nuôi. Nông dân đang ngày càng phải đối mặt với tình trạng suy thoái đất và khan hiếm nước, làm hạn chế năng suất cây trồng và giảm khả năng phục hồi của hệ thống nông nghiệp.
Ngoài ra, lũ lụt và hạn hán gia tăng làm gián đoạn mùa trồng trọt và thu hoạch, làm suy yếu khả năng duy trì vai trò cung cấp lương thực chính của khu vực. Về chăn nuôi, nhiệt độ tăng và thời tiết thất thường làm tăng nguy cơ sốc nhiệt, bùng phát dịch bệnh và giảm năng suất, khiến nguồn tài nguyên của khu vực càng thêm căng thẳng.
Các chuyên gia cho rằng, muốn vượt qua những thách thức này, tương lai của ngành nông nghiệp phụ thuộc vào khả năng thích ứng và đổi mới của mỗi cá nhân trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Chỉ các biện pháp canh tác truyền thống sẽ không đủ để vượt qua áp lực của biến đổi khí hậu, đe dọa cả sản xuất cây trồng và sức khỏe vật nuôi.
Để bảo vệ nền tảng nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long và xa hơn nữa, ngành nông nghiệp cần áp dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh và thích ứng với khí hậu. Những cách tiếp cận này không chỉ tập trung vào việc tăng năng suất mà còn đảm bảo tính bền vững lâu dài bằng cách giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống canh tác để chống chọi với những thay đổi khắc nghiệt về thời tiết và môi trường.
Tại 6 phiên, với 54 bài báo cáo, các nhà khoa học bàn những chủ đề “nóng” như: Sức khỏe của đất, quản lý dịch hại tổng hợp, sản xuất cây trồng bền vững, những đổi mới trong chăn nuôi và sức khỏe động vật, những cơ hội và thách thức đối với phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng hệ thống nông nghiệp bền vững trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số...
Sự chuyển đổi nhanh chóng của nông nghiệp thông qua công nghệ kỹ thuật số là trọng tâm để nâng cao năng suất, tăng giá trị gia tăng và tạo ra các hệ thống bền vững có thể chịu được các tác động của biến đổi khí hậu. Trước nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng, điều cần thiết là nền nông nghiệp hiện đại phải áp dụng chiến lược thông minh về khí hậu và tích hợp các công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy cả khả năng phục hồi và tính bền vững; từng bước thay đổi tập quán nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, cũng như các kinh nghiệm dân gian.
Tại Hội nghị, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất trong và ngoài nước được các nhà khoa học trình bày, được đánh giá có thể áp dụng ngay, mang lại lợi ích thiết thực và to lớn cho nông dân Việt Nam nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Tiêu biểu như: “Phương cách kiểm soát mầm bệnh gây héo trên cây chuối” của Giáo sư Tsutomu Arie (Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, Nhật Bản); “Chất hữu cơ trong đất - giải pháp mấu chốt thích ứng với biến đổi khí hậu” của Phó Gáo sư Scott Demyan (Đại học bang Ohio, Mỹ); “Ứng dụng hệ thống CRISPR/Cas để nâng cao hiệu quả sinh học và phi sinh học chống chịu stress cho cây trồng " của Tiến sĩ Đỗ Tiến Phát (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam); “Nguồn protein thay thế cho ngành thức ăn chăn nuôi”của ông Gerry Oude Elferink (Giám đốc Dinh dưỡng và Hỗ trợ Gia cầm tại Châu Á, Công ty De Hues); “Nâng cao chất lượng và năng suất trái quýt hồng bằng cách phun Canxi Clorua trước khi thu hoạch” của Thạc sĩ Trịnh Xuân Việt (Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đồng Tháp)…/.
- Từ khóa:
- Nông nghiệp thông minh
- biến đổi khí hậu