Hằng năm, khoảng 25.000 - 30.000 tấn cá cơm đã được ủ chượp để cho ra sản lượng 25 - 30 triệu lít nước mắm có từ 20 độ đạm trở lên.
Ngày 16/12, tại thành phố Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian “Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc” của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao.
Nghề sản xuất nước mắm thủ công truyền thống ở Phú Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử với hơn 200 năm. Sản phẩm nước mắm Phú Quốc không ngừng phát triển, vươn đến các tỉnh, thành trong cả nước và một số quốc gia trên thế giới.
Để bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất nước mắm có tâm huyết trên đảo đã đề xuất thành lập Hội Nước mắm Phú Quốc và hình thành vào năm 2000. Hội Nước mắm Phú Quốc đã đề xuất với cơ quan có thẩm quyền việc xây dựng, đăng ký xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý. Tháng 6/2001, nước mắm được bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho nước mắm sản xuất tại Phú Quốc (GI); năm 2012, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý tại 28 nước liên minh châu Âu (PDO). Đến năm 2017, Nhà nước công nhận nghề và làng nghề truyền thống sản xuất nước mắm Phú Quốc; tháng 5/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian cấp quốc gia “Nghề làm Nước mắm ở Phú Quốc”.
Hằng năm, các cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc sử dụng khối lượng khá lớn nguyên liệu cá cơm, với khoảng 25.000 - 30.000 tấn ủ chượp để cho ra sản lượng 25 - 30 triệu lít nước mắm có từ 20 độ đạm trở lên. Ông Đặng Thành Tài, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Thành, Phó Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc chia sẻ: Nước mắm Phú Quốc đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đánh dấu bước phát triển văn hóa ẩm thực bản sắc của dân tộc Việt Nam. Đây là thành quả của một quá trình lâu dài, từ đời cha ông để lại cho đến các thế hệ sau tiếp tục phát huy đạt được như ngày hôm nay; khẳng định sự phát triển của Hội Nước mắm Phú Quốc, cũng như vị thế của nước mắm Phú Quốc trên thị trường, góp phần phát triển nghề nước mắm truyền thống tại đảo ngọc.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: Đan xen trong quá trình hình thành và phát triển, công tác bảo tồn, phát huy truyền thống nghề làm nước mắm Phú Quốc luôn được quan tâm thực hiện, nhất là việc bảo vệ và phát triển thương hiệu dựa trên nền tảng bảo vệ chất lượng sản phẩm nước mắm đặc trưng Phú Quốc. Nghề làm nước mắm Phú Quốc được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là sự kiện quan trọng không chỉ đối với những người làm nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc mà còn thúc đẩy hoàn thiện yêu cầu quản lý nhà nước đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc thù, đặc trưng của tỉnh, góp phần đảm bảo chất lượng, phát triển thương hiệu, khả năng gia nhập thị trường trong và ngoài nước của các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Sau Lễ đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo khoa học phát triển bền vững nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc với sự tham dự của đại diện Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, nhà khoa học, các ngành chức năng liên quan, Hội Nước mắm Phú Quốc, cơ sở sản xuất nước mắm trên đảo Phú Quốc...
Tại hội thảo, nhiều tham luận của các đại biểu đề xuất nội dung, giải pháp bảo tồn, phát huy những thành quả về Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian “Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc”; phát triển bền vững sản phẩm nước mắm có xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý Phú Quốc; thực trạng sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc và định hướng cho thời gian tới; bảo vệ môi trường trong sản xuất chế biến nước mắm tại Phú Quốc…
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang cho biết, thông qua hội thảo với các tham luận, ý kiến của các đại biểu, tỉnh Kiên Giang sẽ có kế hoạch, định hướng, giải pháp phát triển bền vững nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc. Cụ thể là biện pháp khai thác để đảm bảo nguồn lợi hải sản, nguồn lợi cá cơm nguyên liệu sản xuất nước mắm; biện pháp xây dựng phát triển làng nghề sản xuất nước mắm, xây dựng nhà truyền thống trưng bày sản phẩm nước mắm; ban hành quy định quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm phù hợp trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới; các biện pháp hợp tác trong nước và ngoài nước về quảng bá tiêu thụ sản phẩm nước mắm sản xuất tại Phú Quốc.../.
- Từ khóa:
- Phú Quốc
- nước mắm
- thủ công truyền thống