Xã hội

Phát huy giá trị bản địa với các sản phẩm OCOP

Hậu Giang

Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Hậu Giang có hơn 300 sản phẩm OCOP, trong đó, có 109 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao với hàng trăm chủ thể tham gia.


Các sản phẩm OCOP của Hậu Giang được sản xuất, chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đặc trưng của tỉnh. 
Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Hậu Giang thời gian qua góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống người dân. Đồng thời góp phần nâng cao vai trò địa phương cấp xã trong phát triển sản phẩm thế mạnh, vai trò chủ thể người dân, cộng đồng, doanh nghiệp theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Đặc biệt, Chương trình phát huy giá trị bản địa với các sản phẩm đặc trưng.

Bà Cao Thị Cẩm Nhung, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm sáng tạo (phường Hiệp Thành, thành phố Ngã Bảy) vừa có 2 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao cấp tỉnh Hậu Giang làm từ trái mít non là chả giò mít non và chả lụa mít non. Đây là những sản phẩm đầu tiên dành cho người ăn chay.

Do nguồn mít non ở địa phương khá dồi dào nên Công ty nghiên cứu và thực hiện sản phẩm từ mít. Từ mít được sơ chế thành thịt mít rồi mới chế biến sản phẩm như chả giò, pate mít, bánh phồng mít, khô mít với hương vị tự nhiên, không chất bảo quản, không chất gây dị ứng. Công ty thu mua mít để tạo việc làm và giải quyết đầu ra nông sản cho người dân địa phương. Từ đó, phát huy các giá trị đặc trưng, nổi bật nên sản phẩm của công ty mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, có 10 sản phẩm mới đưa ra thị trường thay thế thịt, có nguồn gốc thực vật. Qua đó tạo việc làm cho trên 10 lao động trực tiếp cùng nhiều công nhân thời vụ.

Bà Võ Thị Phương Trang, Chủ cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây (xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp) sở hữu 2 sản phẩm dầu xoa bóp thảo dược (Dầu xoa bóp Thảo dược phương thuốc gia truyền UT nóng và lạnh) vừa đạt sản phẩm OCOP chuẩn 4 sao cấp tỉnh.

Các sản phẩm OCOP của Hậu Giang được sản xuất, chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đặc trưng của tỉnh. 
Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Bà cho biết, hàng chục năm trước, nhà chồng có phương thuốc rượu xoa bóp chữa trị nhức mỏi, căng cơ. Đến nay, nhiều bà con địa phương vẫn sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, thuốc rượu khó sử dụng vì khá nặng mùi. Do đó, cơ sở nghiên cứu, sản xuất sản phẩm nhằm phát huy giá trị truyền thống nhiều đời. Điều đặc trưng là mùi hương dầu nhẹ nhàng, dùng trong phòng lạnh, phòng kín vẫn dễ chịu.

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như (xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp) cho biết, điều kiện nguồn nước, thời tiết nơi đây phù hợp cho cá thát lát phát triển. Do đó, Hợp tác xã phát triển diện tích cá nguyên liệu là 16ha, với sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm, trong đó có 400 tấn sản phẩm chế biến và 600 tấn sản phẩm nguyên liệu. Từ đó, nhiều sản phẩm từ cá thát lát được công nhận OCOP, góp phần nâng cao giá trị và chất lượng cá thát lát ở địa phương. Thời gian tới, Hợp tác xã sẽ gắn kết phát triển du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn, du lịch cộng đồng để phát huy hết các giá trị bản địa, bà Thùy nói.

Ông Trần Minh Nìm, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Niềm My xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ cho biết, sản phẩm mật ong hoa chôm chôm của Công ty vừa được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Long Mỹ đánh giá, đạt 73,8 điểm. Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xét duyệt và công nhận đạt hạng 4 sao cấp tỉnh. Nâng sản phẩm OCOP của Công ty đạt chuẩn 4 sao gồm 3 sản phẩm là mật ong hương tràm, sữa ong chúa, mật ong hoa chôm chôm.

Các sản phẩm OCOP của Hậu Giang được sản xuất, chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đặc trưng của tỉnh. 
Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Ông Trần Minh Nìm thông tin, ban đầu, ông nuôi thử hai thùng tổ ong để lấy mật sử dụng trong gia đình và đạt kết quả tốt. Thấy được vùng đất Long Mỹ có nhiều cây tràm nên ông nhân rộng nuôi ong lấy mật ra nhiều nơi của huyện và các địa phương khác. Qua đó, thu hút nhiều lao động địa phương, 200 hộ dân các tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật của Công ty.

Theo ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, nhiều sản phẩm OCOP gắn với giá trị bản địa, văn hóa truyền thống địa phương. Đây là một yếu tố giúp sản phẩm OCOP tồn tại lâu dài trên thị trường và phát triển trong thời gian tới.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang thông tin, cá thát lát là sản phẩm thế mạnh của tỉnh nhưng chưa phát huy hết các giá trị bản địa. Để làm được điều này, các đơn vị liên quan, doanh nghiệp phải thống kê, sưu tầm giá trị, ẩm thực liên quan nhằm xây dựng nội dung về hình ảnh cá thát lát ở địa phương. Từ đó, ngành nông nghiệp quan tâm đến sản phẩm nông nghiệp khác để các sản phẩm được chế biến sâu, tham gia thương mại.

Đến nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Hậu Giang có hơn 300 sản phẩm OCOP, trong đó, có 109 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao với hàng trăm chủ thể tham gia, trong đó 18 công ty, chiếm 14,40%, 36 hợp tác xã, chiếm 28,80%, 71 cơ sở, hộ kinh doanh, chiếm 56,80%./.

Phạm Duy Khương

Tin liên quan

Xem thêm