Hội Nông dân chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh Kiên Giang ký chương trình phối hợp Công ty Giải pháp công nghệ Felix đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng lên sàn giao dịch điện tử Felix, mang lại hiệu quả.
Sáng 14/10, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang phối hợp Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo bàn giải pháp hỗ trợ mô hình, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đề xuất hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi cho mô hình, sản phẩm OCOP để chủ thể đầu tư về công nghệ, máy móc, nhà xưởng, thiết bị phục vụ, mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất kinh doanh; mức đề xuất từ 50 - 10 tỷ đồng tùy quy mô sản xuất của từng mô hình, sản phẩm OCOP. Đồng thời, hỗ trợ tập huấn kiến thức về kinh doanh trên sàn giao dịch để chủ thể có thể tạo kênh bán hàng riêng, dễ tiếp xúc với khách hàng hơn…
Ông Trần Văn Đằng, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Tiên Thành Phát (khu phố V, phường Đông Hồ, thành phố Hà Tiên) đề xuất bổ sung vốn cho Hợp tác xã mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời hỗ trợ thành viên Hợp tác xã nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập bình quân cho mỗi thành viên từ 200 - 390 triệu đồng/năm trở lên.
Bà Nguyễn Thị Trúc Phương, Cơ sở sản xuất nước mắm Hương Đồng (ấp Cây Huệ, xã Hòa An, huyện Giồng Riềng) đề xuất hỗ trợ quảng bá sản phẩm qua các kênh truyền thông, đặc biệt trên mạng xã hội nhằm tăng cường nhận diện thương hiệu; kết nối kênh phân phối lớn như siêu thị, cửa hàng tiện lợi và sàn thương mại điện tử; hỗ trợ chi phí hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ. Bà cũng đề xuất hỗ trợ thủ tục pháp lý đăng ký thương hiệu, bảo vệ bản quyền và sở hữu trí tuệ; tư vấn thiết kế, đăng ký nhãn mác sản phẩm, đảm bảo phù hợp tiêu chuẩn quốc tế; cải tiến bao bì sản phẩm phù hợp xu hướng hiện đại, thân thiện môi trường và dễ dàng thu hút người tiêu dùng…
Đại biểu các sở, ngành, các ngân hàng thương mại chi nhánh tại tỉnh và Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tiếp thu, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đồng thời xem xét cụ thể từng nội dung để giải quyết…
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Lâm Quốc Toàn cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 269 sản phẩm được công nhận OCOP (gồm 6 sản phẩm 5 sao, 36 sản phẩm 4 sao, 227 sản phẩm 3 sao) của 136 chủ thể. Các sản phẩm OCOP chủ yếu từ thực phẩm và được xem là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Kiên Giang như: Nước mắm Phú Quốc, thủy sản khô, thủy sản tươi đông lạnh, cà xỉu muối Hà Tiên, chả cá phi, dưa bồn bồn, gạo hữu cơ... (chiếm 90% so với tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh). Qua đó khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng theo tiêu chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và nhu cầu thị trường.
Hiện nay, một số sản phẩm OCOP được đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh (siêu thị Bách hóa Xanh, các cửa hàng thực phẩm OCOP trong tỉnh...), liên kết đại lý phân phối ngoài tỉnh như Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, Đà Nẵng, Hà Nội. Đồng thời, một số sản phẩm được kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử như, Lazada, TikTok, Shopee...
Đặc biệt, 100% sản phẩm OCOP đều được đưa lên sàn thương mại điện tử Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh. Mới đây, Hội Nông dân chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh ký chương trình phối hợp Công ty Giải pháp công nghệ Felix đưa các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh lên sàn giao dịch điện tử Felix, mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế ở 15 huyện, thành phố trong tỉnh cho thấy, một số sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương sản xuất chủ yếu theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa quan tâm nhiều đến mẫu mã bao bì, kiểu dáng còn thô sơ, không đồng đều và khả năng tiếp cận thị trường hạn chế.
Các chủ thể OCOP chưa tiếp cận nhiều nguồn lực nên kinh phí dành cho đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh hạn chế dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm của một số cơ sở chưa cao.
Tại Hội thảo, hai ngân hàng đã ký bản ghi nhớ hỗ trợ vốn vay cho các chủ thể OCOP, trị giá 7 tỷ đồng./.