Xã hội

Thay đổi cách thức quảng bá sản phẩm của Chương trình OCOP

Hải Phòng

Thành phố Hải Phòng, hiện địa phương có 229 sản phẩm OCOP, trong đó có 134 sản phẩm 3 sao, 95 sản phẩm 4 sao trở lên.

Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng khảo sát sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

TTXVN - Trong hai ngày 26 và 28/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (Chương trình OCOP) giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tại huyện Kiến Thụy, Cát Hải và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng.

Báo cáo với đoàn giám sát, đại diện các đơn vị có sản phẩn đạt tiêu chuẩn OCOP, lãnh đạo các huyện Kiến Thụy, Cát Hải và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng đều đánh giá cao hiệu quả của Chương trình OCOP giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn.

Ông Đặng Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã mật ong Tùng Hằng (xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy) cho biết, đơn vị có hai sản phẩm OCOP là mật ong hoa rừng ngập mặn và mật ong hoa táo Bàng La. Sau gần ba năm tham gia chương trình OCOP, hợp tác xã đã có thành công nhất định như: mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, quảng bá thương hiệu hiệu quả, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định với các doanh nghiệp. Tất cả những yếu tố này là điều kiện thuận lợi để hợp tác xã có phương án phát triển, tăng thu nhập cho các thành viên và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi với sản phẩm tốt, giá cả hợp lý.

Theo ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải, huyện đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan để triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn. Từ năm 2020 đến nay, huyện Cát Hải đề xuất thành phố công nhận 31 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP trong đó có 27 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Việc triển khai Chương trình OCOP giúp các chủ thể đẩy mạnh việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Ông Lã Thanh Tân, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng, phát biểu trong chương trình khảo sát tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Theo ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Hải Phòng, hiện địa phương có 229 sản phẩm OCOP, trong đó có 134 sản phẩm 3 sao, 95 sản phẩm 4 sao trở lên. Chương trình OCOP đã mang đến một diện mạo mới cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của thành phố, tạo ra dư địa để tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP tiềm năng của thành phố thời gian tới.

Về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai chương trình, ông Bùi Thanh Tùng cho biết, chương trình mới thực hiện trên địa bàn thành phố từ năm 2019, một số cán bộ thực hiện chương trình còn chưa nắm bắt đầy đủ các nội dung. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển sản phẩm OCOP. Cùng với đó là các khó khăn khác như việc phát triển sản phẩm chưa gắn với phát triển vùng nguyên liệu, các chủ thể gặp khó khăn trong lập hồ sơ tham gia chương trình, công tác xúc tiến thương mại thiếu đồng bộ.

Ông Bùi Thanh Tùng kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành Trung ương về việc cần ban hành các chính sách khung về đất đai, tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các hợp tác xã có cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản tham gia Chương trình OCOP; tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp với từng tỉnh, thành phố. Cùng với đó là việc ban hành các quy định về thu hồi Giấy Chứng nhận OCOP của các sản phẩm OCOP hết hiệu lực và các sản phẩm không còn đáp ứng các tiêu chí so với lúc đánh giá ban đầu.

Tại các buổi làm việc, ông Lã Thanh Tân, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng bày tỏ sự thống nhất cao với đánh giá của đại diện các cơ quan, đơn vị, các thành viên của Đoàn giám sát về hiệu quả của Chương trình OCOP mang đến cho cả người sản xuất và tiêu dùng.

Đoàn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng tiếp thu ý kiến của các đại biểu trong đoàn, đặc biệt là việc thay đổi cách thức tuyên truyền quảng bá sản phẩm OCOP. Những ý kiến đề xuất của các đại biểu trong chương trình sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tổng hợp, chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định./.

Minh Thu

Xem thêm