Xã hội

Hưng Yên hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả

Hưng Yên

Việc áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2015 đã đem lại những hiệu quả tích cực, rút ngắn thời gian xử lý các văn bản, giải quyết thủ tục hành chính.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Hiện tất cả các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã triển khai, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015.

Đây là công cụ quan trọng, hỗ trợ cho các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh chuẩn hóa các quá trình giải quyết công việc, hướng đến một nền hành chính hiện đại, dân chủ, trong sạch và vững mạnh.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên, đến nay trên địa bàn tỉnh có 203 áp dung hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tỉnh Hưng Yên năm 2023. Trong đó, có 2 đơn vị cơ quan cấp tỉnh; 30 đơn vị cơ quan cấp sở, ban, ngành; 10 đơn vị cấp huyện và 161 đơn vị cấp xã.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thái Kiều Ngân khẳng định, việc áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2015 đã đem lại những hiệu quả tích cực, giúp cán bộ, công chức triển khai và quản lý hồ sơ công việc một cách khoa học, rút ngắn thời gian xử lý các văn bản, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, đúng thời gian. Qua đó, từng bước cải tiến phương thức làm việc, giảm tác động tiêu cực khi giải quyết các thủ tục hành chính cho các tổ chức, công dân.

Cùng với đó, việc xây dựng và thực hiện các quy trình tác nghiệp đã giúp cho thủ trưởng cơ quan và cán bộ nắm vững hơn nội dung, yêu cầu và cách thức xem xét, xử lý công việc theo quá trình, xác định ranh giới trách nhiệm trong nội bộ cơ quan và giữa cơ quan với đơn vị bên ngoài, đảm bảo thực thi công vụ và xử lý công việc theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó, giúp đơn vị rà soát, đánh giá và xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ phận và trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ trong cơ quan.

Theo bà Nguyễn Thái Kiều Ngân, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 là phiên bản mới nhất trong hệ thống quản lý chất lượng được nâng cấp từ TCVN ISO 9001:2008 với những thay đổi đột phá, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện công vụ. TCVN ISO 9001:2015 gồm 10 điều khoản, tương ứng với chu trình PDCA (lập kế hoạch - thực hiện - kiểm tra - cải tiến), được đánh giá là sự nâng cấp và thay thế hoàn hảo cho hệ thống quản lý chất lượng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang ngày càng phát triển. Phiên bản mới ISO 9001:2015 được tổ chức ISO kỳ vọng có thể duy trì đến 25 năm.

Chia sẻ về tình hình kiểm tra hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, Chi Cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Lê Văn Lương cho biết, năm 2023, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị tổ chức kiểm tra tại 60 cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh (60 UBND xã, phường, thị trấn). Nội dung kiểm tra tập trung vào việc áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng đối với tất cả hoạt động liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính, thực hiện việc công bố và áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo quy định. Kết quả, có 52/60 đơn vị ban hành mục tiêu chất lượng hàng năm; 55/60 đơn vị thực hiện đánh giá nội bộ, họp xem xét lãnh đạo; 57/60 đơn vị sắp xếp hồ sơ gọn gàng, khoa học, dễ nhận biết.

Theo ông Lê Văn Lương, hầu hết các đơn vị đều hiểu về hệ thống quản lý chất theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015, có thực hiện công bố lại khi có sự điều chỉnh phạm vi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị chưa cập nhật lại danh mục tài liệu theo sự thay đổi số quy trình áp dụng cho thủ tục hành chính được sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ và chưa thường xuyên cập nhật, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật vào các quy trình.

Năm 2023, huyện Khoái Châu đã thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và trực tuyến qua cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử. Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ huyện Khoái Châu được coi là điểm sáng trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu Lê Hải Nam, huyện đã duy trì hạ tầng kỹ thuật thông tin làm nền tảng cho xây dựng chính quyền điện tử; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của huyện đạt trên 96% và tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt trên 52%, đứng đầu toàn tỉnh../.

Mai Ngoan

Xem thêm