Xã hội

Đại hội V Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: Đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của tổ chức hội

Đại hội Hội Nạn nhân chất độc da cam lần thứ V diễn ra tại Hà Nội ngày 28 và 29/12/2023 với chủ đề “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, hướng về nạn nhân; đổi mới, xây dựng Hội vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao”.

Hơn 5000 ngàn người đi bộ đồng hành vì nạn nhân độc da cam/dioxin Việt Nam nhân tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin và kỷ niệm 62 năm ngày thảm họa da cam/dioxin ở VN 10/8/1961 – 10/8/2023. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

TTXVN - Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã nỗ lực, vượt nhiều khó khăn, hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội lần thứ IV đề ra, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của nạn nhân.

* Vì nạn nhân chất độc da cam

Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin nhiệm kỳ IV (2018-2023), Đại hội Hội Nạn nhân chất độc da cam lần thứ V diễn ra tại Hà Nội ngày 28 và 29/12/2023 với chủ đề “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, hướng về nạn nhân; đổi mới, xây dựng Hội vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao” nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV, rút ra những bài học kinh nghiệm; xác định mục tiêu, nhiệm kỳ 2023-2028; bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra của Hội.

Đánh giá kết quả nổi bật trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018-2023 của Ban chấp hành Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho thấy, các cấp hội đã nỗ lực, vượt nhiều khó khăn, hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trung ương Hội và các tỉnh, thành hội đã làm tốt công tác tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW cuả Ban Bí thư Trung ương Đảng; thực hiện các chủ trương giải quyết hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh. Hội cũng tham gia đóng góp vào văn bản về bổ sung sửa đổi chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin, công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học được bổ sung, từng bước hoàn thiện.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” của Hội gắn với phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động được triển khai sâu rộng, hiệu quả cao. Với phương châm: “Đổi mới, hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân”, Trung ương Hội đã tổng kết Phong trào thi đua Vì Nạn nhân chất độc da cam/dioxin giai đoạn 2016-2021, phát động phong trào thi đua 2021-2026. Trung ương Hội và các tỉnh, thành hội đã phát động Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10/8) hàng năm, thực hiện hiệu quả “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” năm 2023.

Công tác vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân được các cấp hội triển khai tích cực, hiệu quả, bằng nhiều giải pháp sáng tạo. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 11/2023, các cấp hội trong toàn quốc vận động Quỹ đạt trên 2.275 tỷ đồng (bao gồm tiền và hiện vật). Các cấp hội đã chi từ nguồn xã hội hóa giúp đỡ nạn nhân hơn 2.164 tỷ đồng; xây dựng 3.973 nhà tình thương; 24.550 suất học bổng trị giá 19.584 triệu đồng, trợ giúp, tìm việc làm cho hàng nghìn nạn nhân, khám chữa bệnh cấp thuốc miễn phí cho hơn 644.000 lượt người.

Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân mang tính bền vững hơn, tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà; hỗ trợ học bổng cho con, cháu nạn nhân; hỗ trợ vốn, giống cho sản xuất, chi cho xông hơi giải độc; thăm hỏi đột xuất...

Hoạt động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tiếp tục được tiến hành với những hình thức, biện pháp mới, phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức, đánh giá của các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đây là một trong những thành công lớn trong 5 năm qua của Trung ương Hội. Kết quả đó đã góp phần quan trọng làm cho Quốc hội, Chính phủ Hoa Kỳ thay đổi nhận thức, có trách nhiệm hơn trong việc tham gia cùng Việt Nam tẩy độc môi trường, xử lý chất độc dioxin còn tồn lưu tại sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã triển khai thực hiện dự án hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại các tỉnh bị phun rải nặng và đang thực hiện một số dự án khác trực tiếp cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin...

Cùng với những hoạt động nêu trên, thời gian diễn ra vụ kiện của bà Trần Tố Nga tại Pháp, Hội đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Luật sư Pháp; đồng thời tích cực vận động nguồn lực hỗ trợ bà Trần Tố Nga khởi kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ; kịp thời ra Tuyên bố ủng hộ vụ kiện và gửi Thư ngỏ tới các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế phản đối phán quyết của tòa án khi xét xử sơ thẩm vụ án; tiếp tục đồng hành cùng bà Trần Tố Nga khởi kiện lên tòa phúc thẩm của thành phố Paris (Pháp).

Có thể thấy, những năm qua hoạt động của các cấp hội có bước đổi mới, phát huy được vai trò, trách nhiệm, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của nạn nhân, khẳng định vai trò và vị thế của hội đối với cấp ủy, chính quyền và xã hội.

Ban Tổ chức trao 14 xe lăn và hỗ trợ máy may cho nạn nhân chất độc da cam tại Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

* Những bài học kinh nghiệm

Theo lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thành công của Ban Chấp hành nhiệm kỳ IV có được nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc; sự phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ hiệu quả của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị, nhà hảo tâm đối với hoạt động của Hội; sự đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Thường vụ, Thường trực Trung ương Hội và sự đồng tình, phối hợp, ủng hộ của các hội thành viên trong cả nước.

Từ kết quả hoạt động nhiệm kỳ IV, Ban Chấp hành Hội đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp là điều kiện tiên quyết để Hội hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ, nghĩa tình, trách nhiệm vì nạn nhân của các cơ quan, đơn vị là yếu tố quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của Hội.

Hội bám sát nghị quyết đại hội, chương trình hoạt động hằng năm, xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp, thiết thực, có trọng tâm trọng điểm, chỉ đạo sâu sát và quyết tâm thực hiện chương trình, kế hoạch đã đề ra; thường xuyên duy trì, đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”, tạo động lực thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị và nêu gương các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong tổ chức hội.

Hội tích cực, chủ động vận động nguồn lực, xây dựng Quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin với nhiều hình thức, biện pháp mới; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể ở Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong nước và quốc tế trong việc chăm sóc giúp đỡ nạn nhân vượt khó vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh đó, các cấp Hội chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ hội tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, gương mẫu về đạo đức lối sống; tâm huyết, nghĩa tình, trách nhiệm đối với nạn nhân và có phương pháp, tác phong công tác phù hợp với chức năng nhiệm vụ của hội; thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra thực hiện Điều lệ, nghị quyết; xây dựng quy chế, quy định điều hành thực hiện nhiệm vụ bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch…

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh: Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028, gắn với kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10/1/2004-10/1/2024), là sự kiện, dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa to lớn, là bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của tổ chức hội từ Trung ương đến các hội thành viên trong cả nước, cũng như vị thế, sức lan tỏa về uy tín của Hội đối với quốc tế.

Đây là dịp tuyên truyền chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do đế quốc Mỹ gây ra ở Việt Nam; góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về tính chất nguy hiểm, hậu quả lâu dài của thảm họa da cam đối với môi trường, sức khỏe con người Việt Nam; vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân da cam về vật chất, tinh thần; tạo sự quan tâm, ủng hộ dư luận trong nước và quốc tế đối với cuộc đấu tranh đòi công lý nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

“Đây là dịp để biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong hoạt động hội, những “tấm lòng vàng” vì nạn nhân chất độc da cam và các nạn nhân tiêu biểu vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh khẳng định./.


Phương Hà

Xem thêm