Trường Đại học Cửu Long (Vĩnh Long) và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hợp tác, thảo luận về quản lý bệnh viện, nhân lực y tế và bài học từ đại dịch COVID-19.
TTXVN - Ngày 28/12, Trường Đại học Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Hợp tác giữa các trường Đại học Ấn Độ và Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực y tế thời kỳ hậu COVID-19: Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo được tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyến có sự tham gia của khoảng 180 đại biểu là chuyên gia trong lĩnh vực khoa học sức khỏe trong và ngoài nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận, thảo luận nhiều vấn đề như: Quản lý bệnh viện và nhân lực y tế chất lượng cao phục vụ thị trường quốc tế; bài học từ COVID-19 - Thách thức và quản lý bệnh dịch trong tương lai; vai trò của vi sinh trong chương trình giám sát, sử dụng kháng sinh; khảo sát thực trạng, xác định nhu cầu và triển khai xây dựng năng lực về kiểm soát nhiễm khuẩn cho một số bệnh viện các tỉnh ở khu vực phía Nam; hợp tác đào tạo và khoa học công nghệ trong lĩnh vực dược phẩm và y tế giữa Ấn Độ và Việt Nam, Yoga – Massage sự kết hợp y học cổ truyền Ấn Độ và Việt Nam…
Các đại biểu đánh giá lại tình hình COVID-19 gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và các bài học trong phòng, chống COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam; cảnh báo về sự gia tăng và phức tạp của các tác nhân dịch bệnh trong tương lai; đề xuất những giải pháp tăng cường hợp tác, nhất là hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực ngành Y tế, năng cao nâng lực kiểm soát nhiễm khuẩn ở các bệnh viện, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe để giảm diễn tiến các bệnh lý nền, hạn chế bệnh chuyển nặng hoặc tử vong khi mắc COVID-19 hay các dịch bệnh khác trong tương lai.
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Trần Nam đề xuất một số bài học trong phòng, chống COVID-19 cần chuẩn bị và áp dụng hiệu quả trong tương lai như: Chủ động trong ứng phó với các bệnh không lường trước được trong tương lai cả về mức độ lây lan và sự đa dạng về các chủng virus; phát triển hệ thống y tế cộng đồng, y tế cơ sở và y tế gia đình để đáp ứng nhanh yêu cầu điều trị khi có dịch xảy ra, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các nước cần tăng cường công tác chia sẻ thông tin toàn cầu về các loại dịch bệnh và những nghiên cứu để giúp các quốc gia có thể phòng, chống với các dịch bệnh mới phát sinh; đầu tư cơ sở hạ tầng về nghiên cứu lâm sàng, trong đó chú trọng phát triển các loại vaccine phòng bệnh...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Minh Cừ, Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long cho biết, Hội thảo là cầu nối, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác về y tế giữa Việt Nam và Ấn Độ. Qua đó, kết nối quan hệ hợp tác, trao đổi tri thức giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, các tổ chức liên quan, gợi mở kiến thức liên quan đến sức khỏe và quản lý bệnh trong tình hình mới sau COVID-19; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Y tế và đáp ứng yêu cầu của xã hội trong tương lai.
Dịp này, Trường Đại học Cửu Long ký kết bản ghi nhớ hợp tác về phát triển nguồn nhân lực với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (Thành phố Hồ Chí Minh)./.
- Từ khóa:
- Vĩnh Long
- hợp tác
- nguồn nhân lực y tế
- hậu COVID-19