An sinh

Lắng nghe kiến nghị, đề xuất, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp hiệu quả

TP. Hồ Chí Minh

Những người trẻ cần phải thận trọng, có sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, định hướng bởi “khởi nghiệp không phải là phong trào”.

Ngày 11/10, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2024 để kịp thời nắm bắt tình hình, lắng nghe kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng của thanh niên.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị đối thoại. 
Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN

Chia sẻ về chủ đề khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) Lê Thị Tường Vy cho rằng, đa phần các doanh nghiệp khởi nghiệp đều không có tài sản, hiện phải tiếp cận với những nguồn vốn không chính thống, lãi suất rất cao, làm mất lợi thế và gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh. Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là một trong những giải pháp hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp. Tuy nhiên do nhiều điều kiện khách quan, Quỹ này đang tạm dừng phát vay do hết vốn. Bà Lê Thị Tường Vy kiến nghị, lãnh đạo Thành phố quan tâm, chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý để Quỹ tiếp tục được vận hành, cấp phát vay cho thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp….

Chung ý kiến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phường Hiệp Thành (Quận 12) Võ Thị Thùy Dương cho rằng, hiện các bạn trẻ vẫn chưa mạnh dạn vay vốn để khởi nghiệp, lập nghiệp bởi nhiều nguyên nhân, trong đó thủ tục vay vốn khó khăn, mức vay chênh lệch so với quy mô dự án... Để tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo, Thành phố nên xây dựng mô hình mạng lưới kết nối thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp trẻ đi đầu trong đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu để hội nhập và phát triển. Địa phương thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm, tham quan các mô hình doanh nghiệp tiêu biểu.

Bên cạnh các ý kiến liên quan đến khởi nghiệp, nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, an toàn cho thanh niên cũng được các đại biểu đề xuất. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Thủ Đức Năng Thị Mỹ Duyên đề xuất, Thành phố nên tiếp tục có những sản phẩm văn hóa từ nguồn xã hội hóa, chương trình biểu diễn nghệ thuật ngoài trời để công diễn cho cộng đồng, đặc biệt là chương trình có giá trị nghệ thuật lớn, được đầu tư bài bản, quy mô tái hiện lịch sử, văn hóa hướng đến các hoạt động kỷ niệm lớn trong năm. Từ đó có thể trở thành điểm nhấn du lịch, giúp giáo dục lịch sử, truyền thống, văn hóa cho thanh, thiếu nhi.

Lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự hội nghị. 
Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá cao sự quan tâm của thanh niên đối với chương trình “Thành phố khởi nghiệp” và các vấn đề văn hóa, xã hội khác; đồng thời, ghi nhận khát khao khởi nghiệp, đóng góp sức lực cho sự phát triển trong giới trẻ. Tuy nhiên, ông Phan Văn Mãi cho rằng, những người trẻ cần phải thận trọng, có sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, định hướng bởi “khởi nghiệp không phải là phong trào”. Về nguồn vốn khởi nghiệp, mỗi năm, Thành phố Hồ Chí Minh chi từ 100 - 300 tỷ đồng để hỗ trợ. Muốn được hỗ trợ, thanh niên cần có kế hoạch rõ ràng.

Ông Phan Văn Mãi đánh giá, buổi đối thoại là dịp để lãnh đạo Thành phố kịp thời nắm bắt tình hình, lắng nghe kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng của thanh niên - lực lượng chủ lực trong công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố trong thời đại mới. Qua đó, Thành phố kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc liên quan đến quyền và lợi ích của thanh niên./.

Đinh Hằng

Xem thêm