An sinh

Hiệu quả từ những dự án cải tạo, xử lý chống sạt lở tại Thanh Hóa

Thanh Hóa

Nhiều dự án đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp người dân không còn lo lắng về nguy cơ sạt lở khi mùa mưa bão tới; tạo quỹ đất xây dựng nhà cửa và canh tác phát triển kinh tế.

Tuyến đường từ Quốc lộ 47 đi Bình Sơn, đoạn qua xã Thọ Sơn (Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã được xử lý dứt điểm tình trạng đất đá rơi xuống đường dân sinh. 
Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN

Thanh Hóa là địa phương có 11 huyện miền núi, địa hình đồi dốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất. Để đảm bảo an toàn về người và tài sản của người dân ở các vùng có nguy cơ cao về sạt lở, UBND tỉnh đã chấp thuận cho các địa phương được thực hiện các dự án xử lý chống sạt lở. Đến nay, nhiều dự án đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp người dân không còn lo lắng về nguy cơ sạt lở khi mùa mưa bão tới; tạo quỹ đất xây dựng nhà cửa và canh tác phát triển kinh tế.

Tuyến đường từ Quốc lộ 47 đi xã Bình Sơn, đoạn qua xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất, ảnh hưởng đến sự an toàn và tính mạng của người dân. Thực tế cho thấy, tuyến đường này đã có hiện tượng đất đá rơi khi trời mưa và sạt lở gây ách tắc giao thông.

Nhận thấy nguy cơ sạt trượt tiếp tục với mức độ ngày càng nghiêm trọng, trên cơ sở đề xuất của UBND xã Thọ Sơn, UBND huyện Triệu Sơn, tháng 1/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 1633/UBND-CN cho phép Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Đạt được tận thu đất thừa trong quá trình thi công chống sạt lở tại tuyến đường trên. Thời gian được phép tận thu của Công ty là 4 tháng với khối lượng hơn 24.000m3. Mục đích sử dụng đất thừa nêu trên là để cung cấp đất san lấp cho gói thầu số 14-KL thi công xây dựng đoạn Km289+500 - Km301+00, Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Nhờ phương án hạ thấp độ cao, xử lý chống sạt lở, gia đình bà Phạm Thị Thư tại khu phố 9, thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã có mặt bằng xây dựng nhà cửa khang trang. 
Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN

Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện phương án tận thu, chống sạt trượt, tình trạng sạt lở, đất đá rơi trên cung đường đã được xử lý. Người dân hai xã miền núi Bình Sơn và Thọ Sơn (huyện Triệu Sơn) khi lưu thông không còn nơm nớp lo sợ sạt lở và an tâm di chuyển trên tuyến đường này mỗi khi mưa bão tới.

Bà Bùi Thị Hiên, thôn Đông Chanh, xã Bình Sơn cho biết, tuyến Quốc lộ 47 đi Bình Sơn, đoạn qua xã Thọ Sơn cách đây vài năm sạt lở rất nhiều. Năm 2022, sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân, chính quyền xã, huyện đã kiến nghị tỉnh xin được làm phương án cải tạo, xử lý, chống sạt lở. Sau 4 tháng, đơn vị thi công đã hạ bớt độ cao quả đồi, tạo mặt bằng, sau đó trồng keo để giữ đất. Đến nay, điểm sạt lở này đã được xử lý triệt để, người dân qua lại yên tâm hơn. Diện tích keo doanh nghiệp trồng sau khi tận thu hoàn trả mặt bằng đã phát triển xanh tốt.

“Tuy nhiên, hiện nay, trên tuyến đường này cũng đang xuất hiện một số điểm sạt mới do thời gian qua, tình hình mưa lớn diễn ra trong nhiều ngày. Người dân đang đề nghị xã kiến nghị lên huyện và tỉnh tiếp tục có phương án xử lý các điểm sạt lở mới để người dân yên tâm khi lưu thông trên tuyến đường huyết mạch này…”, bà Hiên chia sẻ thêm.

Trên địa bàn huyện Triệu Sơn hiện có khoảng 6 điểm tận thu cải tạo, xử lý chống sạt lở đã được doanh nghiệp bàn giao, hoàn trả mặt bằng, tạo điều kiện cho người dân có quỹ đất làm nhà; trồng trọt, chăn nuôi.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Sơn, sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, qua theo dõi, đánh giá, việc thi công chống sạt lở cho các hộ dân là cần thiết, giúp nhân dân yên tâm trong sinh hoạt, sản xuất. Các dự án xử lý chống sạt lở cũng tạo quỹ đất để các gia đình xây dựng, chỉnh trang nhà cửa và canh tác thuận tiện hơn. Đất trong quá trình tận thu có thể tận dụng để cung cấp cho các công trình trọng điểm của huyện, tỉnh đang khó khăn về nguồn nguyên liệu.

“Thời gian qua, do ảnh hưởng của mưa bão, trên địa bàn huyện xuất hiện thêm nhiều điểm có nguy cơ sạt trượt cao, trực tiếp đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã rà soát, hướng dẫn người dân làm đơn đề nghị để được cải tạo, xử lý chống sạt lở. UBND huyện mong các sở, ngành quan tâm, tạo điều kiện để địa phương được thực hiện các dự án cải tạo, xử lý các điểm chống sạt lở tránh những thiệt hại không đáng có khi mùa mưa bão tới…”, bà Xuân kiến nghị.

Gia đình bà Thư (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã yên tâm canh tác, trồng trọt sau khi địa phương triển khai thực hiện các dự án xử lý chống sạt lở. 
Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN

Gia đình bà Phạm Thị Thư tọa lạc trên sườn một quả đồi tại khu phố 9, thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân. Bao năm tích góp, gia đình bà cũng muốn xây dựng một căn nhà kiên cố để ổn định cuộc sống, tuy nhiên, quỹ đất xây nhà không có. Việc canh tác hoa màu, trồng trọt cũng gặp rất nhiều khó khăn, do thân đất dốc, trồng cây gặp mưa cũng bị trôi, xói mòn. Năm 2021, gia đình bà làm đơn xin phép UBND trị trấn Sao Vàng được thực hiện sự án cải tạo, hạ cốt nền để có diện tích xây dựng nhà ở và canh tác. Trên cơ sở nguyện vọng của bà Thư, UBND thị trấn Sao Vàng đã gửi đơn của công dân lên UBND huyện và tỉnh. Năm 2022, phương án hạ cốt nền của gia đình bà được chấp thuận.

Bà Thư chia sẻ, sau 3 tháng thi công, quả đồi sau nhà bà đã được hạ thấp độ cao. Sau khi đơn vị thi công hoàn trả mặt bằng, gia đình có điều kiện để xây dựng căn nhà kiên cố, không lo sạt lở đất mỗi khi mùa mưa bão tới. Diện tích mặt bằng sau nhà, gia đình đã trồng được ngô, hoa màu, không bị xói lở như trước. Tuy nhiên, thời gian thực hiện phương án quá ngắn (3 tháng) nên đơn vị thi công vẫn chưa xử lý triệt để hết các phần việc như đã phê duyệt trong hồ sơ. Về lâu dài vẫn có thể xảy ra sạt lở, ảnh hưởng đến nhà cửa, hoa màu. Bà mong muốn thời gian tới, các cấp chính quyền tạo điều kiện cho gia đình được tiếp tục thực hiện phương án chống sạt lở giai đoạn 2.

Ông Mai Văn Linh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thọ Xuân cho biết, từ năm 2020 đến nay, tại Thọ Xuân có 17 đơn vị được UBND tỉnh cho phép tận thu, vận chuyển đất thừa trong quá trình thi công phương án san gạt, hạ thấp độ cao, chống sạt lở. Ngay sau khi được UBND tỉnh chấp thuận, UBND huyện Thọ Xuân đã tổ chức kiểm tra, bàn giao mốc giới ngoài thực địa cho các gia đình, đơn vị thi công thực hiện và giám sát quá trình thực hiện. Huyện ban hành văn bản đề nghị các xã có dự án tận thu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án và tận thu đất thừa của các đơn vị đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong khu vực; đảm bảo thực hiện phương án đúng mục đích, tránh lợi dụng để khai thác khoáng sản…

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, việc xử lý sạt lở, cải tạo đất ở, đất vườn, hạ thấp độ cao xuất phát từ tình hình thực tế và nhu cầu cấp thiết của người dân ở các địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi. Thời gian tới, để phát huy hiệu quả các dự án xử lý chống sạt lở, Sở đã yêu cầu các đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc hồ sơ được phê duyệt, trong đó giao cụ thể trách nhiệm UBND cấp huyện, cấp xã phải bàn giao mốc giới, giám sát quá trình thực hiện của đơn vị thi công về vệ sinh môi trường, an toàn lao động, các xe vận chuyển phải đúng trọng tải, đúng hồ sơ, đảm bảo không xảy ra vi phạm…/.

Khiếu Thị Tư

Xem thêm