Thực thi chính sách

Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự tại cơ sở

Nổi bật là mô hình “5 không, 3 có” tại Trường Trung học Phổ thông dân tộc nội trú Huỳnh Cương (Phường 3, tỉnh Sóc Trăng) được Bộ Công an ghi nhận, đánh giá là mô hình hiệu quả. Mô hình này được nhân rộng tại các trường dân tộc nội trú như: Long Phú, Thạnh Phú, Vĩnh Châu, Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn.

Nhà thờ Sóc Trăng trang hoàng chuẩn bị đón Giáng sinh năm 2022. Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

(TTXVN) Sóc Trăng thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung và phát huy hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đồng thời, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, huy động và phát huy ngày càng hiệu quả sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự ngay tại cơ sở, góp phần đảm bảo sự vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội…

Nhiều mô hình điển hình, tiên tiến

Công an tỉnh Sóc Trăng tích cực phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đồng thời, bảo vệ nội bộ, bí mật Nhà nước, nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Hiện địa bàn có 66 loại mô hình “Đảm bảo an ninh trật tự” được triển khai tại 521 điểm; trong đó, 6 loại mô hình phát huy hiệu quả như: Mô hình “Camera an ninh”, “Thắp sáng đường quê”, “Họ đạo tự quản” “Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thông qua mạng xã hội (Zalo)” “Sư sãi, phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự” và mô hình tại cơ quan doanh nghiệp, cơ sở giáo dục (mô hình “5 không, 3 có”).

Công tác xây dựng, củng cố, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh thường xuyên triển khai thực hiện.

Nổi bật là mô hình “5 không, 3 có” tại Trường Trung học Phổ thông dân tộc nội trú Huỳnh Cương (Phường 3, tỉnh Sóc Trăng) được Bộ Công an ghi nhận, đánh giá là mô hình hiệu quả. Mô hình này được nhân rộng tại các trường dân tộc nội trú như: Long Phú, Thạnh Phú, Vĩnh Châu, Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn.

Điển hình, Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ có nhiệm vụ đào tạo cán bộ, sư sãi là dân tộc Khmer phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực Nam Bộ.

Theo Sư Danh Sóc Pil - thành viên Ban Chỉ đạo mô hình “4 không, 3 có” của trường, kể từ khi mô hình “4 không, 3 có” của trường được thành lập đã phát huy hiệu quả. Nhờ đó, đơn vị đã đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” góp phần thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.  "4 không, 3 có" là: Không để cháy nổ xảy ra; không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo; không để trộm cắp tài sản; không tham gia các tệ nạn xã hội; có ý thức tham gia giao thông; có ý thức thực hiện phòng, chống dịch COVID-19; có ý thức ứng xử văn hóa trên các trang mạng xã hội.

Tương tự, tại Trường Trung học Phổ thông dân tộc nội trú Huỳnh Cương, trước những năm 2011, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế như: mạng lưới điện thắp sáng còn ít, tường rào chưa kiên cố, phòng học còn chật hẹp, thô sơ dẫn đến có một vài trường hợp học sinh cá biệt vi phạm nội quy hay một số đối tượng xấu lén lút xâm nhập lôi kéo học sinh làm ảnh hưởng đến kết quả học tập, rèn luyện của các em, cũng như tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự trong nhà trường.

Xác định được tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trong trường học, Ban Giám hiệu Nhà trường đã phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ và Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Sóc Trăng xây dựng mô hình “3 không” với các nội dung: Không bạo lực, bạo hành trong học đường; không tham gia các tệ nạn xã hội; không để cháy nổ xảy ra.

Đến nay, mô hình này đã phát triển thành "5 không, 3 có" gồm: Không bạo lực, bạo hành trong học đường; không tham gia các tệ nạn xã hội; không để cháy nổ xảy ra; không để ô nhiễm môi trường; không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo; có văn hóa ứng xử trong tham gia giao thông; có ý thức tự phòng, tự quản nơi làm việc, học tập và cư trú; có ý thức trong phòng, chống dịch COVID-19. Mô hình được duy trì, triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự trong nhà trường và trên địa bàn.

Nhiều mô hình tại cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục cấp tỉnh đã phát huy hiệu quả như: “Đảm bảo an ninh trật tự” tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban quản lý Cảng cá Trần Đề; “Tổ công nhân dịch vụ đô thị” tại Công ty Công trình đô thị Sóc Trăng…

Phát huy vai trò của quần chúng nhân dân

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Trần Văn Lâu, thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình, nhất là các mô hình điển hình, tiên tiến nhằm thu hút người dân, các vị chức sắc trong các tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc tham gia, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, vùng dân tộc, tôn giáo.

Ông Trần Văn Lâu cho biết, công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của cấp ủy Đảng, sự điều hành, tổ chức của chính quyền, hướng về cơ sở, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt. Đồng thời, tỉnh chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng bảo vệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ...

Đơn vị tập trung đấu tranh, ngăn chặn những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự gây bức xúc trong nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động điều tra, xử lý tin báo tố giác tội phạm, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong xử lý tội phạm. 

Cùng đó, các lực lượng chức năng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự; tập trung xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng “xã hội hóa” với phương châm “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh trật tự” ngay tại cơ quan, đơn vị gắn với việc triển khai xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục an toàn về an ninh trật tự./.

Nhật Bình

Xem thêm