Môi trường

Phát huy thế mạnh nghiên cứu tiên tiến trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản

Năm 2025, Viện cần tập trung nhân lực, trí tuệ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong tham gia các dự án, đề án lớn của Bộ và Chính phủ về điều tra, đánh giá khả năng lưu trữ an toàn chất thải phóng xạ, nghiên cứu hang động...

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 
Ảnh: Diệu Thúy- TTXVN

Năm 2025, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát huy thế mạnh về nghiên cứu tiên tiến và công nghệ địa chất - khoáng sản phù hợp để áp dụng ở Việt Nam theo định hướng quốc gia về phát triển bền vững và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, diễn ra sáng 7/1, tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, năm 2025, Viện cần tập trung nhân lực, trí tuệ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong tham gia các dự án, đề án lớn của Bộ và Chính phủ về điều tra, đánh giá khả năng lưu trữ an toàn chất thải phóng xạ, nghiên cứu hang động, bảo tồn di sản địa chất, công viên địa chất toàn cầu, cũng như thế mạnh trong hợp tác với các địa phương, đối tác truyền thống, từ đó tăng cường năng lực nghiên cứu chuyên môn theo vị trí việc làm của các đơn vị trong thời gian tới.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên cũng mong muốn Viện tăng cường hợp tác với các đơn vị, tổ chức, trường đại học nước ngoài trong các lĩnh vực nghiên cứu đang triển khai với mục tiêu nâng cao chất lượng khoa học, mở ra những hướng nghiên cứu mới trong tương lai, đào tạo cán bộ khoa học.

Ông Quách Đức Tín, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản báo cáo kết quả năm 2024 của Viện. 
Ảnh: Diệu Thúy- TTXVN

Tại Hội nghị, ông Quách Đức Tín, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, năm 2024, Viện đã hoàn thành nhiệm vụ theo kinh phí thường xuyên giao tự chủ. Trong đó, có 6 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ Tài nguyên và Môi trường; 2 đề án sự nghiệp kinh tế chuyển tiếp cấp Bộ Tài nguyên và Môi trường; 1 dự án mở mới sự nghiệp bảo vệ môi trường, 1 nhiệm vụ sự nghiệp kinh tế thành phần chuyển tiếp thuộc đề án Chính phủ phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam.

Đáng chú ý, Viện đã thực hiện các đề án của Chính phủ như: Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”; Đề án “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam”; Đề án “Điều tra, đánh giá địa nhiệt và các nguồn nước khoáng nóng vùng Tây Bắc”...

Các đại biểu tham dự tại Hội nghị. 
Ảnh: Diệu Thúy- TTXVN

Năm 2024, hoạt động của Tiểu ban Chuyên môn về Công viên Địa chất Toàn cầu Việt Nam cũng diễn ra sôi nổi và hiệu quả như: Phối hợp với Ban thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO và Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng trong việc triển khai kế hoạch và tham dự Hội nghị Mạng lưới Công viên địa chất Châu Á Thái Bình Dương APGN 2024 tại Cao Bằng; thẩm định, nhận xét hồ sơ trình UNESCO xét công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn….

Ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đề xuất định hướng phát triển trong năm 2025 của Viện. 
Ảnh: Diệu Thúy- TTXVN

Các hoạt động hợp tác quốc tế của Viện đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Viện. Viện tiếp tục duy trì quan hệ đối tác với các tổ chức như: Quỹ Nghiên cứu và Đổi mới Vương quốc Anh (UKRI), Hội đồng Liên trường Đại học Flemish (VLIR-UOS), Vương quốc Bỉ; Công ty Asano Taisekiso Engineering (ATK), Nhật Bản; Hiệp hội Hang động Quốc gia Hoa Kỳ; Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Hàn Quốc (KIGAM)…cùng nhiều đối tác khác.

Theo Phó Viện trưởng Quách Đức Tín, trong năm 2025, Viện tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy của Viện, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc tinh gọn, giảm tối đa chồng chéo bảo đảm hiệu quả hoạt động.

Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với các địa phương, phục vụ các chương trình trọng điểm của Nhà nước, nghiên cứu khoa học và triển khai khoa học công nghệ về địa chất và khoáng sản, cung cấp nguyên liệu khoáng sản phục vụ các doanh nghiệp trong nước. Viện cũng phối hợp với các đối tác nước ngoài tìm kiếm nguồn vốn, xây dựng dự án hợp tác mới để đề xuất các nhiệm vụ trong năm 2025./.

Trần Diệu Thúy

Xem thêm