Những khuyến nghị chính sách trong báo cáo của UNESCO hướng tới một nền giáo dục công bằng, hòa nhập, chất lượng trong bối cảnh chuyển đổi số nhanh chóng.
Ngày 24/5, tại Hà Nội, UNESCO Hà Nội và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đồng chủ trì, phối hợp với Nhóm Chủ nhiệm Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu tại trụ sở UNESCO và Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) công bố Báo cáo Giám sát Giáo dục toàn cầu 2023 khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với tiêu đề “Công nghệ trong giáo dục: Công cụ cho những đối tượng nào”, báo cáo đã chỉ ra rằng công nghệ đang thay đổi cách thức tổ chức giáo dục ở Đông Nam Á, đồng thời ghi nhận việc tăng cường tiếp cận học tập của người học ở vùng sâu, vùng xa và trong các trường hợp khẩn cấp nhờ công nghệ, song cũng cảnh báo rằng đó không phải là một giải pháp tổng thể để giải quyết những thách thức lớn trong giáo dục.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, những phát hiện của báo cáo giúp đưa ra một khuôn khổ để rà soát kỹ tình hình sử dụng công nghệ trong giáo dục tại Việt Nam một cách toàn diện. Bên cạnh đó, những khuyến nghị chính sách cũng mang đến những gợi ý vừa cụ thể vừa bao quát, dựa trên minh chứng, hướng tới một nền giáo dục công bằng, hòa nhập và chất lượng cho tất cả người học trong bối cảnh chuyển đổi số nhanh chóng, đặc biệt trong giáo dục.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh cần lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về những chiến lược, giải pháp nhằm phát huy tối đa vai trò công nghệ trong giáo dục đào tạo với sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ những nhà quản lý, nhà nghiên cứu, thầy cô giáo và tổ chức xã hội nhằm đảm bảo một nền giáo dục công bằng và có chất lượng.
Trong khi đó, theo đánh giá của ông Manos Antoninis, Chủ nhiệm Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu, báo cáo là nguồn tài liệu để định hướng quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam và trong khu vực, đồng thời đảm bảo rằng người học là trung tâm của mọi quyết định sử dụng công nghệ trong môi trường giáo dục. Công nghệ có tiềm năng to lớn để chuyển đổi việc học, nâng cao phương pháp giảng dạy, mở rộng tiếp cận, cải thiện công tác quản lý giáo dục, nhưng không phải cách sử dụng nào cũng đều phù hợp.
“Báo cáo kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trước tiên phải nắm rõ những thách thức giáo dục cụ thể trước khi lựa chọn công nghệ phù hợp để giải quyết chúng,” ông Manos Antoninis nhấn mạnh.
Theo báo cáo, ở cấp độ khu vực, Đông Nam Á đã đặt ưu tiên cao cho công cuộc cải cách công nghệ vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Hiện có khoảng 400 triệu người dùng Internet trong khu vực; năm 2020, có khoảng 40 triệu người truy cập mạng Internet lần đầu. Với gần 3 triệu lượt người đăng ký, Indonesia, Philippines và Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng số người học mới cao nhất ở Coursera - một nền tảng học trực tuyến mở quy mô lớn, năm 2021. Hiện tại, xét trung bình, 9 trên 10 nhà trường ở Việt Nam được kết nối Internet, mục tiêu cấp quốc gia là đạt 100% kết nối trong nhà trường đến năm 2025.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại khoảng cách giàu nghèo đáng kể trong tiếp cận, trong đó 95% trẻ em là con em các hộ giàu nhất được hưởng lợi từ Internet tại nhà so với chỉ 18% ở những con em nhà nghèo nhất - mức chênh lệnh lớn nhất ở Đông Nam Á. Trong đại dịch COVID-19, khả năng học sinh từ các hộ nghèo nhất được học từ xa ít hơn 34% so với học sinh từ các hộ giàu nhất. Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn cũng rất đáng chú ý khi khoảng cách chênh lệch là 23 điểm phần trăm giữa tỷ lệ phụ nữ thành thị và nông thôn có kỹ năng công nghệ thông tin.
Tại buổi công bố, các đại biểu cũng tập trung thảo luận làm rõ tình hình sử dụng công nghệ hiện nay cũng như hướng đi tiếp theo trên tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục trên cả nước./.
- Từ khóa:
- UNESCO
- công nghệ số
- SEAMEO
- giáo dục