Người có uy tín trong đồng bào dân tộc đã và đang phát huy vai trò nêu gương, góp phần tích cực cùng đồng bào các dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
TTXVN - Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng quần chúng đặc biệt, là nhịp cầu nối gắn kết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân nhằm vận động đồng bào dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự tiến bộ, công bằng và văn minh của xã hội.
* Điểm tựa của đồng bào dân tộc
Thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, người có uy tín trong đồng bào dân tộc đã và đang phát huy vai trò nêu gương, góp phần tích cực cùng đồng bào các dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những người có uy tín không chỉ tiên phong trong các phong trào của phum sóc, trong những “sự vụ” tưởng rất nhỏ, là việc riêng của gia đình mà họ cũng có mặt, nâng đỡ cuộc sống của người dân bằng uy tín và cái tâm trong sáng của mình. Mỗi cá nhân người có uy tín có mức độ đóng góp, ảnh hưởng khác nhau trong cộng đồng nhưng đều có điểm chung là gương mẫu, nhiệt tình, lời nói có sức thuyết phục, nói đi đôi với làm nên đã tạo dựng được niềm tin với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và người dân địa phương.
Người dân ở ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) biết đến ông Thạch Cưng là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn gương mẫu để con cháu noi theo. Gần 10 năm qua, ông Thạch Cưng cùng Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ “3 tích cực trong đồng bào Khmer” đã tích cực tuyên truyền, kết nạp thêm thành viên, từ 24 người ban đầu nay là 54 người để chung tay cải thiện, nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ. Các thành viên Câu lạc bộ đã phối hợp với Công an xã, lực lượng an ninh cơ sở tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự vào các dịp lễ, Tết, các sự kiện trọng đại của đất nước, của đồng bào dân tộc Khmer... Nhờ vậy, tình làng nghĩa xóm luôn được gắn kết, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi.
Ông Thạch Cưng cùng các thành viên Câu lạc bộ và Ban Quản trị chùa Soryaram và chùa Buppharam (cùng xã Hưng Hội) đóng mới 4 chiếc ghe ngo mini trị giá trên 200 triệu đồng, thành lập một đội nhạc ngũ âm, hai đội trống Chhay-dăm… để tổ chức các hoạt động trong các ngày lễ, Tết của đồng bào dân tộc. Ông còn nêu gương thi đua lao động sản xuất để nâng cao đời sống, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Nhận thấy các vùng nông thôn còn khó khăn, nhiều sông rạch, bà con đi lại rất vất vả, Thượng tọa Thích Định Hương, Trụ trì chùa Vĩnh Phước (xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) đã vận động phật tử thành lập “Đội thiện nguyện xây cầu” và kêu gọi nhà hảo tâm, phật tử gần xa, chính quyền địa phương góp kinh phí xây cầu. Gần 5 năm qua, Thượng tọa Thích Định Hương đã vận động xây dựng hơn 100 cây cầu nông thôn giúp người dân đi lại thuận tiện.
Bằng kinh nghiệm, uy tín, người có uy tín trong đồng bào dân tộc đã tham gia hòa giải kịp thời những tranh chấp, mâu thuẫn tại cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”, “điểm phức tạp”. Họ tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục nhiều đối tượng vi phạm pháp luật, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Người có uy tín cũng là cầu nối, cung cấp thông tin, phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân đến các cấp ủy Đảng, chính quyền.
Tại tỉnh Trà Vinh, trong 2 năm qua, người có uy tín đã tham gia hòa giải thành công gần 260 vụ việc, xây 8 cầu nông thôn, hiến trên 20.000m2 đất làm đường, xây trường và vận động được 1.500 phần quà hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, vận động, xây dựng 15 nhà tình thương, 2 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở…
Với hơn 600 người có uy tín, trong đó dân tộc Khmer có khoảng 520 người, dân tộc Hoa 80 người… người có uy tín trong đồng bào dân tộc tỉnh Sóc Trăng đã vận động nhân dân, nhà hảo tâm cùng tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp số tiền trên 4 tỷ đồng, xây 13 cầu nông thôn, 11 căn nhà, gần 3,4 km lộ nông thôn và các công trình phúc lợi dân sinh khác; đóng góp 1,4 tỷ đồng cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh; đóng góp cho an sinh xã hội trên 28 tỷ đồng…
* Cầu nối giữa Đảng với dân
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn là lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc khẳng định, với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”, người có uy tín trong đồng bào dân tộc đã có nhiều đóng góp thiết thực trong củng cố, xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương; tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đại đoàn kết toàn dân tộc; có nhiều đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp tích cực trong mọi hoạt động xã hội, luôn xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền và nhân dân trên lĩnh vực công tác vận động bà con tham gia tích cực vào tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...
Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc chia sẻ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và các tôn giáo cần tăng cường giám sát, nắm bắt tình hình tư tưởng của nhân dân để phản ánh kịp thời cho các cấp chính quyền địa phương, đồng thời đổi mới nội dung, linh hoạt hình thức vận động cho phù hợp với đặc điểm, môi trường hoạt động và hoàn cảnh của người có uy tín.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều, tỉnh có 20 dân tộc thiểu số anh em cùng sinh sống, chiếm trên 9% dân số toàn tỉnh, trong đó người Khmer có hơn 17.000 hộ. Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách dân tộc, phong trào thi đua gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả tích cực. Sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước bằng các chính sách dành cho người có uy tín đã tạo động lực quan trọng để đội ngũ này thực hiện tốt sứ mệnh là “cầu nối” trong việc chuyển tải, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu ngày càng thêm bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thông tin cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo gắn với quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; chuyên đề về “Nhận diện thủ đoạn xuyên tạc các thành tựu nhân quyền”; tình hình phát triển kinh tế - xã hội…
Cùng với đó, người có uy tín cần tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; nêu cao tinh thần ý chí tự lực tự cường, cùng với chính quyền đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự; tích cực tham gia thực hiện các phong trào, cuộc vận động, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tại tỉnh Trà Vinh, để phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục hướng dẫn người có uy tín về kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng, nhất là nội dung hướng dẫn của ngành về phong trào “Dân vận khéo”. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành liên quan, cung cấp thường xuyên, đầy đủ cho người có uy tín các ấn phẩm báo, tạp chí và cung cấp sổ tay, cẩm nang, một số ấn phẩm có liên quan của các ngành chuyên môn để người có uy tín nghiên cứu áp dựng vào thực tiễn.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể bồi dưỡng, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ người có uy tín; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và phát huy vai trò người có uy tín trên các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Qua đó, góp phần giáo dục gia đình, cộng đồng không vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội; cảnh giác với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, không để địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền, xuyên tạc chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước.../.
- Từ khóa:
- người có uy tín
- đồng bào dân tộc thiểu số