Thể thao

Phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046

Hà Nội

Nhìn ra thế giới, hiện nhiều quốc gia đang có thành tích tốt ở các đấu trường lớn đều có hẳn một chương trình riêng biệt, tập trung vào đầu tư lực lượng vận động viên trọng điểm tham gia tranh tài tại các đấu trường như Olympic và ASIAD...

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Cục Thể dục thể thao Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046 với sự tham dự của hơn 200 đại biểu.

Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh cho biết, những năm qua, được sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương, thành tích của Thể thao Việt Nam đã có sự tiến bộ và thể hiện bằng kết quả đạt được tại các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), các kỳ Đại hội thể thao trẻ, giải vô địch thể thao quốc tế.

Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh phát biểu.
Ảnh: Nam Sương - TTXVN

“Thể thao Việt Nam đã có những bước tiến về thành tích, song, kết quả của chúng ta ở những kỳ ASIAD và Olympic còn khá khiêm tốn, thậm chí còn có dấu hiệu tụt hậu trước nhiều quốc gia trong khu vực, châu lục, thế giới. Nguyên nhân chính là do Thể thao Việt Nam đang thiếu đi một Chương trình cấp quốc gia về đào tạo lực lượng vận động viên, tập trung nâng cao thành tích trong các môn thể thao trọng điểm. Nhìn ra thế giới, hiện nhiều quốc gia đang có thành tích tốt ở các đấu trường lớn đều có hẳn một chương trình riêng biệt, tập trung vào đầu tư lực lượng vận động viên trọng điểm tham gia tranh tài tại các đấu trường như Olympic và ASIAD”, ông Nguyễn Hồng Minh nói thêm.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 70-KL/TW về phát triển Thể dục thể thao trong giai đoạn mới, trong đó đã xác định 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm ngành Thể dục thể thao cần phải tập trung thực hiện. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển Thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định rõ 5 quan điểm, 6 mục tiêu cụ thể, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng ngành Thể dục thể thao cần phải cụ thể hóa để thực hiện. Trong Chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trực tiếp là Cục Thể dục thể thao Việt Nam xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD trong giai đoạn 2026-2046.

Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh mong muốn các nhà quản lý, chuyên gia, khoa học tích cực đóng góp vào Chương trình để có thể lựa chọn được những môn thể thao, qua đó định hướng đầu tư, phát triển trọng điểm trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu giành huy chương Vàng ASIAD và huy chương Olympic trong giai đoạn 2026-2046.

Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046 có sự tham dự của hơn 200 đại biểu.
Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Trưởng phòng Thể thao thành tích cao Hoàng Quốc Vinh chia sẻ: Chương trình được tiến hành trên phạm vi toàn quốc, với đối tượng là các vận động viên trẻ, tài năng ở các đội tuyển trẻ quốc gia và những vận động viên trẻ có thành tích, các vận động viên trẻ có quốc tịch Việt Nam hoặc đủ điều kiện nhập tịch được đánh giá có tiềm năng phát triển trong tương lai hiện đang tập luyện tại các trung tâm huấn luyện thể thao, trường năng khiếu thể thao, cơ sở đào tạo thể thao, trung tâm đào tạo vận động viên thuộc 63 tỉnh/thành phố, lực lượng Quân đội và Công an. Từ những ưu thế, hạn chế, cũng như bài học kinh nghiệm, đến nay Chương trình đã xây dựng được những mục tiêu tổng quát và mục tiêu cho từng giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 2026 – 2030: Duy trì trong tốp 3 tại các kỳ SEA Games và trong tốp 20 tại các kỳ ASIAD. Trong đó, ASIAD 2026: huy chương Vàng (môn Bắn súng, Karate, Đua thuyền, Cầu mây); ASIAD 2030: 6 huy chương Vàng (môn Bắn súng, Bắn cung, Karate, Đua thuyền, Cầu mây); Olympic 2028: 2 huy chương Đồng (môn Bắn súng, Bắn cung, Cử tạ); Bóng đá nam trong tốp 10 châu Á và bóng đá nữ trong tốp 8 châu Á (Thực hiện theo chương trình riêng).

Về quy hoạch vận động viên trọng điểm, hàng năm đầu tư khoảng 165 - 170 vận động viên trọng điểm ở 17 môn thể thao trọng điểm gồm: Điền kinh (3), Bắn súng (18), Bắn cung (9), Taekwondo (10), Cử tạ (12), Boxing (6), Đấu kiếm (6), TDDC (6), Xe đạp (4), Judo (5), Vật (5), Bơi (5), Cầu lông (5), Đua thuyền (34), Karate (5), Wushu (12), Cầy mây (18).

Giai đoạn 2030 – 2036: Duy trì trong tốp 3 tại các kỳ SEA Games và trong tốp 20 tại các kỳ ASIAD. Trong đó, ASIAD 2034: 7 huy chương Vàng (môn Bắn súng, Bắn cung, Karate, Đua thuyền, Cầu mây, Boxing). Olympic 2032: 2 huy chương Đồng (môn Bắn cung, Cử tạ). Olympic 2036: 1 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng (môn Bắn cung, Cử tạ, Bắn súng). Tiếp tục ổn định nhóm các môn thể thao trọng điểm đã có sự đầu tư đào tạo ở giai đoạn 2026-2030 và bổ sung thêm nội dung mới có sự đột phá.

Giai đoạn 2036 – 2046: Duy trì trong tốp 2 tại các kỳ SEA Games, trong tốp 15 tại các kỳ ASIAD và tốp 50 tại các kỳ Olympic. Bóng đá nam tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; Bóng đá nữ top 8 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup (thực hiện theo chương trình riêng).

Hội thảo cũng lắng nghe nhiều chia sẻ của các chuyên gia bàn về bối cảnh và những yếu tố tác động đến sự phát triển Thể dục thể thao Việt Nam; thực trạng phát triển thể thao thành tích cao của nước ta; việc xác định các môn thể thao trọng điểm, căn cứ để lựa chọn các môn thể thao trọng điểm; các giải pháp, trong đầu tư, phát triển các môn thể thao trọng điểm nhằm đạt được mục tiêu giành huy chương Vàng tại ASIAD và giành huy chương tại Olympic thời gian tới./.

Phùng Nam Sương

Tin liên quan

Xem thêm