Bích Đầm tiếp tục gìn giữ được vẻ đẹp hoang sơ cùng những giá trị bản địa, để mỗi lần trở lại, du khách đều cảm thấy như được trở về một mái nhà quen thuộc giữa đại dương xanh.
Vào những ngày cuối tháng Tư nắng cháy, chúng tôi đặt chân đến Tổ dân phố Bích Đầm trên đảo Hòn Tre giữa vịnh Nha Trang (thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Biển xanh rì rào, hoàng hôn nhẹ buông trên những mái nhà đơn sơ, tất cả gợi lên vẻ đẹp mộc mạc, yên bình. Nhưng điều khiến chúng tôi ấn tượng hơn cả là sự đổi thay rõ nét của vùng đảo nhỏ này. Cách đây chưa lâu, Bích Đầm vẫn là làng chài heo hút, xa trung tâm và còn nhiều thiếu thốn. Giờ đây, nhờ sự quan tâm của chính quyền cùng các chính sách hỗ trợ cộng đồng, khu dân cư này đang từng bước chuyển mình, hướng đến trở thành điểm du lịch cộng đồng bền vững.
Khoảng một năm gần đây, từ khi người dân bắt đầu biết đến khái niệm “làm du lịch”, những lớp tập huấn, các buổi đối thoại giữa người dân - chính quyền - doanh nghiệp đã khơi thông tư duy, mở đường cho mô hình du lịch cộng đồng Bích Đầm hình thành, phát triển. Các hộ dân bắt đầu tận dụng chính ngôi nhà mình để làm homestay, nấu những bữa cơm dân dã dành cho du khách, kể cho du khách nghe về đời sống biển cả, những mưu sinh đầy gian khó của người dân trải qua nhiều thời kỳ, và nay cuộc sống dần trở nên sung túc.
Vừa đặt chân đến đảo, chúng tôi ghé thăm đình Bích Đầm - ngôi đình cổ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nơi vẫn lưu giữ sắc phong và là địa điểm diễn ra các nghi lễ tín ngưỡng đặc trưng của ngư dân miền biển địa phương. Ngay trước sân đình là cây bàng cổ thụ hơn 150 năm tuổi, đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Tán bàng xòe rộng, xanh mát như vòng tay bao bọc ngôi làng bao đời nay, là chứng nhân lặng lẽ cho bao đổi thay của vùng đảo nhỏ.
Chị Dương Thị Thọ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Bích Đầm, người trực tiếp tham gia làm du lịch cộng đồng - cho biết, mỗi ngày gia đình chị đón từ một đến hai đoàn khách, có đoàn 10-25 người, cũng có những nhóm nhỏ khoảng 5-7 người, gia đình chị được khách nhờ nấu những bữa cơm với thực đơn dân dã, đậm chất địa phương. Chính trải nghiệm chân thực, gần gũi và sự hiếu khách của người dân địa phương đã góp phần tạo nên sức hút đặc biệt cho loại hình du lịch cộng đồng tại đảo Bích Đầm.
“Hải sản tươi sống như tôm, cá… đều có sẵn trên đảo, chỉ riêng rau xanh là phải chuyển từ đất liền ra để bổ sung. Chi phí hợp lý, không gian yên bình, món ăn giản dị nhưng tươi ngon đã khiến nhiều du khách quay lại dù gia đình tôi chưa từng quảng bá trên mạng xã hội”, chị Thọ chia sẻ.
Ông Trương Đình Vĩnh - Ban Quản lý Du lịch cộng đồng Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên cho biết, trong thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục làm việc với người dân để ra mắt các tổ chuyên trách như: tổ vận chuyển, tổ ẩm thực, tổ cứu hộ - cứu nạn... để đảm bảo dịch vụ đồng bộ, không để tình trạng "chặt chém", cạnh tranh không lành mạnh.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng quy chế vận hành, tổ chức tập huấn kỹ năng ứng xử, phục vụ du khách, cũng như vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi - những yếu tố then chốt để du lịch cộng đồng phát triển bền vững.
Tuy nhiên, ông Vĩnh cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng đảo vẫn còn nhiều trở ngại, trong đó lớn nhất là vấn đề điện sinh hoạt. Việc chưa có điện lưới quốc gia đến đây khiến cuộc sống người dân cũng như dịch vụ lưu trú, ăn uống bị hạn chế, nhất là vào mùa hè oi bức hay mùa mưa lạnh giá, ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của du khách.
Theo ông Vĩnh, để phát triển du lịch cộng đồng một cách căn cơ và hiệu quả, thời gian tới cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Hoàn thiện các quy chế quản lý, điều hành du lịch cộng đồng; đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực tại chỗ. Ngoài ra, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Ban quản lý; xây dựng các tour, tuyến, sản phẩm du lịch trọn gói…
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, đảo Bích Đầm có tiềm năng đặc biệt để phát triển du lịch cộng đồng gắn với khai thác hợp lý tài nguyên biển. Với vị trí nằm trong vùng lõi của vịnh Nha Trang, gần khu bảo tồn biển Hòn Mun - khu bảo tồn được quốc tế công nhận từ năm 2001, Bích Đầm sở hữu hệ sinh thái biển phong phú, đặc biệt là các rạn san hô, vốn là “nồi cơm Thạch Sanh” cho sinh kế lâu dài của người dân địa phương.
Ông Hồi cũng cho rằng bảo tồn biển không có nghĩa là đóng cửa, mà cần khai thác hợp lý để phục vụ sinh kế cho người dân một cách bền vững. Đây chính là tinh thần mới mà Liên hợp quốc và các chương trình phát triển quốc tế đang hướng đến. Ông nhấn mạnh: “Du lịch cộng đồng ở Bích Đầm muốn phát triển hiệu quả thì phải bảo đảm được 3 an: an ninh, an sinh và an toàn - đó là những giá trị cốt lõi cần giữ vững”. Đồng thời, hạ tầng giao thông đường thủy, dịch vụ đón tiếp và gìn giữ bản sắc văn hóa cũng là yếu tố quyết định để giữ chân du khách.
Bích Đầm - từ một làng chài nhỏ bé nằm một góc của đảo Hòn Tre - đang dần trở thành hình mẫu về du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và sinh kế.
Sau một ngày trải nghiệm trên đảo, nhóm du khách lên chuyến tàu cuối cùng trở về đất liền. Trên khoang tàu nhỏ, ai nấy vẫn còn lưu luyến, chưa muốn rời xa không gian bình yên, mộc mạc của Bích Đầm. Những bữa cơm giản dị, nụ cười chân thành của người dân, tiếng sóng vỗ nhẹ bên rặng san hô. Mong rằng, với sự chung tay của cộng đồng và chính quyền, Bích Đầm sẽ tiếp tục gìn giữ được vẻ đẹp hoang sơ cùng những giá trị bản địa, để mỗi lần trở lại, du khách đều cảm thấy như được trở về một mái nhà quen thuộc giữa đại dương xanh./.