Thời tiết

Phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn theo hướng tự động và hiện đại

Với sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện Quy hoạch này sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của đất nước những năm tới và trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 
Ảnh: Thắng Trung-TTXVN

Chiều 17/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 289/QĐ-TTg ngày 8/4/2024. Các nội dung Quy hoạch được dựa trên cơ sở khoa học, tận dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, tự động hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, lâu dài.

Để thực hiện thành công Quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai các nhiệm vụ Quy hoạch trên các địa bàn. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khí tượng thủy văn tiếp tục tăng cường đầu tư vào các dự án phát triển, nâng cấp, tự động hóa, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn theo đúng tinh thần chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa công tác khí tượng thủy văn của Đảng và Nhà nước.

Thứ trưởng Lê Công Thành tin tưởng, với sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện Quy hoạch này sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả, thu được những kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước những năm tới và trong tương lai.

Đề cập đến nội dung, các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường La Đức Dũng cho biết, việc tổ chức công bố Quy hoạch này thể hiện rõ, nhất quán quan điểm của Đảng và Chính phủ về tầm quan trọng và mục tiêu tổng quát đối với công tác khí tượng thủy văn được chỉ đạo trong Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bám sát Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 1970/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quy hoạch, phương án phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia giai đoạn từ nay đến 2030 đã bao gồm đầy đủ mạng lưới trạm thành phần: khí tượng bề mặt, khí tượng nông nghiệp (lồng ghép với khí tượng bề mặt), đo mưa, khí tượng trên cao, ra đa thời tiết, định vị sét, thủy văn, hải văn, giám sát biến đổi khí hậu, khí tượng toàn cầu, ra đa biển và phao biển, quan trắc môi trường không khí và nước, đo mặn và một số loại trạm chuyên đề khác. Trong đó, các trạm khí tượng bề mặt, thủy văn, hải văn được phân định thành 2 loại trạm gồm trạm cơ bản và trạm phổ thông.

Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia được quy hoạch theo yếu tố quan trắc, theo hướng tự động hóa, hiện đại hóa; tăng dầy mật độ trạm, nhất là tại khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, vùng trống số liệu, vùng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, khu vực ven biển, đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam...

Theo mục tiêu đặt ra của Quy hoạch, đến năm 2030, mật độ bình quân trên toàn mạng lưới đạt mức ngang bằng với các nước phát triển khu vực châu Á (khí tượng bề mặt 840 km2/trạm; đo mưa độc lập 80km2/trạm; thủy văn 650 km2/trạm/lưu vực; hải văn 70km/trạm dọc theo bờ biển; rada biển 200km/trạm dọc theo bờ biển). Tỷ lệ tự động hóa toàn mạng lưới đạt trên 95% đối với các trạm khí tượng, đạt tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng mực nước, mưa...

Tầm nhìn đến năm 2050, mật độ trạm khí tượng thủy văn tự động ngang bằng với các nước phát triển trên thế giới với tổng số trạm khí tượng thủy văn đạt 5.886 trạm. Chuyển đổi hầu hết các trạm khí tượng thủy văn truyền thống sang tự động hoàn toàn theo mô hình mạng lưới trạm khí tượng thủy văn hiện đại của các nước phát triển.

Quy hoạch có nhiều điểm mới, mang tính đột phá, phù hợp với định hướng hiện đại hóa và xu thế phát triển của thế giới như: thực hiện quy hoạch mạng lưới trạm theo yếu tố quan trắc (không quy hoạch theo hạng trạm như trước đây); thực hiện phân loại trạm khí tượng, thủy văn, hải văn thành trạm cơ bản; tập trung đầu tư dứt điểm từng trạm phổ thông theo hướng tự động hóa 100%; quy hoạch mạng lưới trạm cho các vùng trống số liệu, vùng thường xuyên chịu tác động và rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu...

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Quy hoạch đã đề ra các nhóm giải pháp chính có liên quan đến: cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế và huy động nguồn vốn, trong đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

Việc triển khai thành công các nội dung của Quy hoạch sẽ đem lại nhiều kết quả quan trọng như cung cấp đầy đủ và kịp thời những số liệu khí tượng thủy văn tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, vùng trống số liệu, vùng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, khu vực ven biển, đảo; tạo ra được hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu theo hướng tập trung, hiện đại, đồng bộ, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý, kiểm tra, giám sát, chia sẻ và khai thác dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn.../.

Thắng Trung

Xem thêm