Pháp luật

Phạt tù nhóm đối tượng phá rừng ở Đăk Hà, Kon Tum

Kon Tum

Đây là vụ án có đồng phạm, các bị can có bàn bạc, thỏa thuận, chuẩn bị công cụ thực hiện hành vi phạm tội nhưng không có sự câu kết chặt chẽ.

Ngày 30/8, tại Hội trường Nhà văn hóa Ủy ban nhân dân xã Đăk Long, Tòa án nhân dân huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã tổ chức phiên tòa xét xử lưu động Phạm Văn Nhuệ (56 tuổi, trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) cùng 4 đồng phạm về tội: “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại khoản 2 Điều 232 Bộ luật Hình sự.

Các bị cáo tại phiên tòa. 
Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đăk Hà, từ tháng 10/2023 đến đầu tháng 1/2024, Phạm Văn Nhuệ thuê A Tuyếng, Nguyễn Mười (cùng trú thôn Kon Teo Đăk Lấp xã Đăk Long), Nguyễn Văn Vụy (thị trấn Đăk Hà) đến tiểu khu 324A là rừng tự nhiên được Nhà nước giao cho các hộ gia đình A Dao, A Nut, A Son, A Sa Ly, A Kuê, A Hun (cùng trú thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long) quản lý, bảo vệ để khai thác gỗ lậu.

Ngoài ra, Phạm Văn Nhuệ còn thuê A Nghiệp (trú xã Đăk Trăm huyện Đăk Tô), là em rể A Tuyếng, lên rừng phụ Nhuệ, A Tuyếng khai thác gỗ vào tháng 10/2023; thuê A Nghiệp sửa đường vào tiểu khu 324A nhằm tạo thuận tiện trong việc vận chuyển gỗ sau khi khai thác trái phép, tiền công mỗi ngày từ 250-350 nghìn đồng, tùy theo khối lượng công việc.

Từ tháng 10/2023 đến tháng 1/2024, nhóm của Nhuệ đã 6 lần lên rừng để khai thác gỗ trái phép với tổng cộng là 47 cây gỗ đứng, gỗ nhóm V đến nhóm VII. Tổng khối lượng gỗ tròn bị khai thác hơn 30m3. Sau đó Nhuệ dùng xe tải, xe độ chế để vận chuyển gỗ đi, với sự giúp sức của các đồng phạm. Tổng giá trị tài sản bị thiệt hại hơn 87 triệu đồng. Đến tháng 1/2024, lực lượng chức năng huyện Đăk Hà phát hiện vụ việc.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đăk Hà, đây là vụ án có đồng phạm, các bị can có bàn bạc, thỏa thuận, chuẩn bị công cụ thực hiện hành vi phạm tội nhưng không có sự câu kết chặt chẽ. Trong đó, Phạm Văn Nhuệ là người cầm đầu, rủ rê bị can A Tuyếng, Nguyễn Mười, Nguyễn Văn Vụy, A Nghiệp cùng thực hiện hành vi phạm tội. Phạm Văn Nhuệ cũng trực tiếp thực hiện hành vi khai thác lâm sản trái phép. Do đó, Phạm Văn Nhuệ có vai trò người khởi xướng, vừa là người thực hành trong vụ án, với mục đích bán lâm sản lấy tiền.

Các bị can A Tuyếng, Nguyễn Mười, Nguyễn Văn Vụy và A Nghiệp tiếp nhận ý chí và thực hiện hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép của Phạm Văn Nhuệ. Do đó, 4 bị can trên đều có vai trò là người thực hành, giúp sức trong vụ án nhằm để được nhận tiền trả công.

Trong quá trình điều tra, truy tố, các bị can A Tuyếng, Nguyễn Mười, Nguyễn Văn Vụy và A Nghiệp đều khai báo thành khẩn, thể hiện thái độ ăn năn hối cải về hành vi phạm tội. Riêng bị can Phạm Văn Nhuệ đến Cơ quan điều tra đầu thú nhưng quá trình điều tra liên tục thay đổi lời khai, thái độ khai báo quanh co. Các bị can trên đã tác động gia đình nộp 55 triệu đồng để khắc phục một phần thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra trong vụ án.

Hành vi khởi xướng, rủ rê, chuẩn bị công cụ, phương tiện sau đó khai thác trái phép gỗ của 5 bị can trên đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 232 Bộ luật Hình sự.

Hội đồng xét xử quyết định phạt tù giam các bị cáo: Phạm Văn Nhuệ 33 tháng, A Tuyếng 27 tháng, Nguyễn Mười 25 tháng, Nguyễn Văn Vụy 20 tháng, A Nghiệp 14 tháng. Tòa tuyên buộc bị cáo Phạm Văn Nhuệ nộp khắc phục số tiền hơn 32 triệu đồng còn lại (các bị cáo đã nộp khắc phục 55 triệu đồng).

Hội đồng xét xử tịch thu các vật chứng gồm 1 xe độ chế, xe mô tô, 182 hộp gỗ xẻ…/.

Cao Nguyên

Xem thêm