An ninh trật tự

Phòng cháy, chữa cháy phải đảm bảo thực chất, hiệu quả

Bình Phước

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo.

Hiện trường cháy kho chứa sơn tại Đồng Xoài, Bình Phước. 
Ảnh TTXVN phát

Bình Phước đang triển khai đồng bộ các giải pháp, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện của địa phương với quan điểm phải đảm bảo thực chất, hiệu quả, tránh hình thức. Các nhiệm vụ, giải pháp được tỉnh thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với quyết định, các quy định của pháp luật có liên quan.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước có trên 12.000 doanh nghiệp, trong đó số lượng doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều lớn nhất cả nước với hơn 500 cơ sở, doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn công nhân, lao động. Gần đây, một số vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người, tài sản như: Vụ cháy nổ tại Công ty TNHH LC Buffalo (huyện Đồng Phú) khiến 2 thợ hàn tử vong ngày 5/8; cháy tại nhà máy Hanfimex chuyên sản xuất hạt điều (huyện Phú Riềng) ngày 7/8...

Qua kiểm tra, tính đến đầu tháng 8/2024, trên địa bàn tỉnh có 65 cơ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Các cơ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy chủ yếu là chế biến hạt điều, ép dầu điều, chế biến gỗ, kinh doanh karaoke, chế biến rác thải nhựa, sản xuất viên nén mùn cưa… Chẳng hạn như: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu nông sản Bảo Ngân, Công ty TNHH Một thành viên Tân Hoàng Ngân, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Anh Hằng, Công ty TNHH Một thành viên thương mại xuất nhập khẩu, Công ty TNHH MTV gỗ Hà Nam…

Đại tá Nguyễn Huy Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước cho biết, các cơ sở, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất – kinh doanh đã đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động. Tuy nhiên, vẫn xảy ra một số vụ tai nạn lao động, cháy, nổ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn do người lao động và người sử dụng lao động vẫn còn lơ là, chủ quan, chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định về đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất – kinh doanh, chưa phát huy tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy…

Theo Chủ tịch Hội điều tỉnh Bình Phước Vũ Thái Sơn, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều nhà máy sản xuất điều chưa nắm rõ được các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Còn nhiều công nhân vận hành các thiết bị như lò hơi, máy nén khí, xe nâng… chưa được đào tạo bài bản kỹ càng hay có được chứng chỉ hành nghề do các đơn vị chức năng, chuyên môn cấp. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, khi xảy ra tai nạn lao động thì chủ doanh nghiệp sẽ bị quy kết trách nhiệm pháp lý.

Đảm bảo thực chất, hiệu quả

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền khẳng định, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy, để xảy ra các vụ cháy, nổ đặc biệt nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.

Mặt khác, nhằm mục đích nâng cao nhận thức và hành động cũng như tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy đảm bảo thực chất, hiệu quả, tỉnh Bình Phước xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, ưu tiên bố trí trụ sở các đơn vị Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực đô thị, các khu vực trọng điểm về phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu một Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ; đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công trình phục vụ ứng phó khẩn cấp, huấn luyện, chỉ huy điều hành, kiểm định phương tiện và nghiên cứu khoa học – công nghệ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ... đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Bình Phước phát triển đồng bộ các loại hình giao thông đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, từng bước mở rộng, nâng cấp các tuyến đường, ngõ, hẻm trong các khu dân cư để xe chữa cháy có thể hoạt động khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố. Đồng thời, hiện đại hóa hạ tầng thông tin, hệ thống trung tâm thông tin chỉ huy; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố; đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống thông tin chỉ huy ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hệ thống cơ sở dữ liệu nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương.

UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, công nghệ số và chuyển đổi số trong phát triển ngành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, chế tạo, ứng dụng các loại phương tiện, khí tài, chất chữa cháy chủ yếu nhằm phục vụ hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa phương.

Công ty cổ phần cấp thoát nước Bình Phước, Công ty cổ phần môi trường Bình Dương chi nhánh cấp nước Chơn Thành, Công ty cổ phần cấp thoát nước khu công nghiệp Minh Hưng III thường xuyên kiểm tra, bảo trì hệ thống cấp nước chữa cháy, sửa chữa các trụ nước chữa cháy bị hư hỏng do đơn vị mình quản lý đảm bảo cho việc cung cấp nước chữa cháy kịp thời khi có cháy xảy ra.

UBND tỉnh Bình Phước cũng giao Công an tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Bộ Công an tạo điều kiện cho việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực để bổ sung cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ tỉnh...

Ngoài ra, việc công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy là một trong những hành động cụ thể nhằm tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, và cứu nạn, cứu hộ./.

Đậu Tất Thành – Nhật Bình

Tin liên quan

Xem thêm