Phóng viên chiến trường với Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bài 1: Sẵn sàng cho ngày chiến thắng
Phóng viên TTXVN tái hiện lại những năm tháng gian khổ mà hào hùng của những chiến sỹ trên mặt trận thông tin.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mở ra một kỷ nguyên mới của đất nước, kỷ nguyên thống nhất, non sông liền một dải. Cũng như những cánh quân giải phóng từ mọi hướng tiến về Sài Gòn, đội ngũ những phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng đã cùng hợp lực, tạo thành những mũi thông tin bám sát tình hình chiến sự trên từng cây số. Đặc biệt, ngày 30/4/1975, nhiều phóng viên Việt Nam Thông tấn xã, Thông tấn xã Giải phóng đã chứng kiến và ghi lại những khoảnh khắc đắt giá của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Thông tin, hình ảnh và những bài tường thuật nóng hổi của phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng được phát đi làm nức lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết "Phóng viên chiến trường với Đại thắng mùa Xuân 1975", tái hiện lại những năm tháng gian khổ mà hào hùng qua lời kể, ký ức của những người trong cuộc - những chiến sỹ trên mặt trận thông tin.
Bài 1: Sẵn sàng cho ngày chiến thắng
Ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), Thông tấn xã Giải phóng đã phát đi bản tin đầu tiên, mang tên Giải phóng xã, trịnh trọng công bố về sự ra đời của cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Kể từ đó cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Thông tấn xã Giải phóng luôn hoàn thành xuất sắc “sứ mệnh” thông tin vẻ vang, anh dũng, kịp thời cổ vũ cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân, dân miền Nam, vì hòa bình, thống nhất đất nước.
* Bỏ phố vào rừng
Thông tấn xã Giải phóng là trường hợp “có một không hai” trong lịch sử báo chí thế giới. Đây là cơ quan thông tấn, cơ quan phát ngôn của một lực lượng kháng chiến, ra đời dưới bom đạn kẻ thù, trưởng thành trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến.
Từ những năm 1961 -1962, mạng lưới Thông tấn xã Giải phóng lần lượt hình thành ở hầu khắp các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định, các bộ chỉ huy Quân giải phóng.
Giữa lúc chiến sự tại miền Nam ngày càng khốc liệt, nhu cầu thông tin tuyên truyền cách mạng trở nên cấp thiết. Nhiều thanh niên, tri thức được huy động tham gia mặt trận thông tin phục vụ việc tác chiến của lực lượng vũ trang. Người được tập huấn để làm phóng viên, viết, biên tập thông tin; người tham gia công tác giao liên, hậu cần nhằm đảm bảo thông tin được duy trì, cập nhật xuyên suốt.
Kể về cơ duyên trở thành phóng viên của mình, nhà báo Nguyễn Thanh Bền, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng cho biết, năm 1963, khi đang làm cán bộ tuyên giáo tại Long An, ông và nhiều cán bộ khác được Tỉnh ủy Long An lệnh tham gia học lớp tuyên truyền báo chí khóa 2 tại Trung ương Cục miền Nam. Sau khi học xong, ông Bền được phân về Thông tấn xã Giải phóng làm nhiệm vụ biên tập tin từ các địa phương để phát ra Hà Nội.
“Thời đó, Thông tấn xã Giải phóng hoạt động trong vùng căn cứ kháng chiến ở biên giới Tây Ninh - Campuchia, điều kiện sinh hoạt và làm việc hết sức khó khăn. Không có bàn ghế, anh em phóng viên kê cành cây để viết tin, bài. Những lúc thiếu giấy, chúng tôi đem bản viết cũ xuống suối rửa sạch chữ phơi khô, dùng lại; nhiều lúc vừa viết tin vừa canh máy bay biệt kích của địch. Để đảm bảo an toàn, Tổ điện báo và phóng viên phải ở cách xa nhau. Mỗi lần cần phát tin, Tổ điện báo phải vác theo máy phát điện quay tay đi xa căn cứ để tránh bị địch phát hiện sóng vô tuyến”, nhà báo Nguyễn Thanh Bền nhớ lại.
Trong thời gian hoạt động tại chiến khu, nhà báo Nguyễn Thanh Bền cùng các đồng nghiệp đã trải qua tám lần di chuyển căn cứ, mỗi lần di chuyển đều phải vác theo máy móc, thiết bị rất nặng, vượt rừng, lội suối bất kể ngày đêm. Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng không chỉ làm nhiệm vụ phóng viên mà còn tham gia vào các công việc như: Đào hầm trú ẩn, đào giao thông hào, làm nhà ở, đào giếng, tải gạo, xay xát lúa, tải giấy cho nhà in, làm rẫy để có rau xanh, tiếp phẩm thức ăn…
Cô Phạm Thị Loan, người sau này được đặt biệt danh “Em bé giao liên của Thông tấn xã Giải phóng” kể, ba mẹ cô từ Hà Nội sang Campuchia mở tiệm may vào năm 1948. Cuối năm 1967, khi vừa tròn 15 tuổi, cô được sống khá sung túc cùng gia đình tại Phnôm Pênh, đi học có xe ô tô đưa đón. Với vốn tiếng Pháp được học từ nhỏ, ban đầu cô định đi theo một nhóm nữ sinh học làm y tá, nhưng người chị gái làm nhân viên đánh máy cho tổ phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đã khuyên nên đi theo Thông tấn xã Giải phóng. Quyết định “vào rừng” được hai chị em giữ kín với gia đình, đêm trước ngày lên đường, mẹ cô mới biết và bà đã thức may cho cô hai chiếc áo sơ mi làm hành trang.
Sau khi gia nhập Thông tấn xã Giải phóng, hoạt động ở khu vực biên giới Campuchia và Tây Ninh, cô Phạm Thị Loan được giao nhiệm vụ nhận và phân loại các bản tin, giao cho phóng viên biên tập, điện báo viên đánh máy gửi về Hà Nội.
“Một buổi chiều tối năm 1971, trong lúc đi chuyển tin ở khu vực Đầm Be, sát biên giới Campuchia, bỗng nghe tiếng máy bay B52 gầm rú trên đầu, tôi vội chạy về hướng nhóm phóng viên tìm hầm trú ẩn. Vừa nhảy xuống hầm, chưa kịp định hình thì nghe tiếng bom nổ rát bên tai. Lần đó, nhiều người bao gồm cả bộ đội và phóng viên đã mãi mãi nằm xuống. Gạt đau thương, mất mát sang một bên, những người còn lại phải nhanh chóng thu dọn tư trang, máy móc, thiết bị để dời cứ sang địa điểm mới; tiếp tục nhiệm vụ duy trì thông tin thông suốt”, cô Phạm Thị Loan kể lại với giọng bồi hồi.
* Rời giảng đường ra chiến trường
Với tinh thần “tuy 2 mà 1”, trong suốt những năm 1970-1975, Thông tấn xã Giải phóng luôn nhận được sự chi viện thường xuyên về con người cũng như trang thiết bị của Việt Nam Thông tấn xã. Trong đó, đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên được đào tạo cơ bản về mọi mặt đã liên tục được “tung vào” chiến trường miền Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thông tin trên chiến trường, cập nhật tin tức cho đồng bào cả nước, nhất là khí thế tiến công chuẩn bị cho ngày giải phóng.
Tháng 7/1972, giữa lúc chiến trường Nam Bộ đang vào giai đoạn cao điểm hướng đến giải phóng miền Nam, gần 150 sinh viên, cử nhân vừa tốt nghiệp các trường Đại học ở Hà Nội được tuyển chọn, tổ chức học Lớp nghiệp vụ phóng viên chiến trường. Đó chính là những học viên của lớp GP10, đội quân có nhiệm vụ chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng.
Từ những sinh viên đủ các chuyên ngành ngoại ngữ, vật lý, sinh học… chẳng liên quan gì đến báo chí, các học viên GP10 được những nhà báo kỳ cựu thời bấy giờ như Thép Mới, Xích Điểu, Thanh Đạm đào tạo rất bài bản, vừa trang bị kiến thức báo chí, kỹ năng viết tin, bài, vừa thông tin tình hình chiến sự miền Nam.
Nhắc lại những ngày đầu tham gia lớp nghiệp vụ tại Hòa Bình, nhà báo Hoàng Đình Chiến, cựu phóng viên lớp GP10 kể, học làm phóng viên thời bình thì chỉ cần biết viết tin, chụp ảnh, nhưng với phóng viên thời chiến, ngoài học nghiệp vụ còn phải rèn luyện sức khỏe, khả năng sinh tồn để có thể lội suối, băng rừng, vượt Trường Sơn đến được nơi tác nghiệp.
"Từ những cô, cậu sinh viên chỉ biết có sách vở, sau giờ học nghiệp vụ, chúng tôi phải tập đeo gạch và di chuyển trên địa hình đồi núi. Mỗi người nhét từ 10 - 12 viên gạch vào ba lô, cõng sau lưng rồi đi, dù đã dùng quần áo, chiếu rách để lót lưng nhưng mỗi lần xốc ba lô lên là mỗi lần bị gạch đập vào sống lưng đau nhói. Những ngày đầu, tập xong, lưng ai cũng bị bầm tím, kiệt sức đến mức không nhấc nổi chân”, nhà báo Hoàng Đình Chiến hồi tưởng.
Trải qua thời gian đào tạo và huấn luyện, đến tháng 3/1973, 108 phóng viên được biên chế vào các đoàn lên đường chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng. Các đoàn hành quân di chuyển dọc Trường Sơn và trên đất bạn Lào.
Nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, lúc bấy giờ là sinh viên vừa hoàn thành chương trình học của khoa Sinh, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã được tuyển chọn để học lớp phóng viên đi chiến trường. Cưới vợ được 3 ngày, nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy cùng đồng nghiệp lên đường chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng. Ngày 16/3/1973, ông cùng các phóng viên GP10 bắt đầu hành trình vào chiến trường miền Nam. Chuyến đi kéo dài gần ba tháng mới đến đích với nhiều trải nghiệm và ký ức không thể nào quên. Hành trình Bắc - Nam của họ không chỉ vượt qua đèo cao, suối sâu, mà có lúc còn đối diện với sinh tử. Sau nhiều chặng vừa đi tàu vừa đi bộ, khi đến biên giới Việt - Lào, đoàn phóng viên lên những chiếc xe tải không mui đi suốt đêm, phải đến 1 - 2 giờ sáng tới binh trạm mới được nghỉ.
“Khi xe chở đoàn đến địa phận tỉnh Attapeu (Nam Lào) thì bị lật xe khiến 3 người hy sinh, hơn 20 người bị thương, trong đó nhiều người bị thương nặng không thể đi tiếp phải quay ngược ra Bắc. Xốc lại tinh thần, chúng tôi tiếp tục hành quân bằng đường bộ, sau gần 3 tháng, đoàn vào được đến chiến trường miền Nam để nhận nhiệm vụ”, nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy ngậm ngùi kể lại.
Sau một thời gian ngắn hoạt động ở Tây Ninh, đầu năm 1974, nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy cùng 2 đồng nghiệp được điều động đi tăng cường cho phân xã miền Đông Nam Bộ đóng tại Chiến khu D, rừng Mã Đà - Đồng Nai, để làm nhiệm vụ thông tin ở khu vực. Đây là địa bàn hết sức phức tạp, địa hình dân cư đa dạng, có nhiều xã xa, đi theo đường mòn trong rừng phải mất hàng chục ngày mới tới nơi; nhiều vùng khét tiếng “chống cộng”, ta và địch đan xen rất căng thẳng. Tại đây, ông thường xuyên đi cơ sở, thâm nhập vùng địch, chụp ảnh và viết tin về các phong trào thi đua lao động sản xuất, hoạt động của bộ đội và du kích.
Lựa chọn con đường làm phóng viên chiến trường, trải qua nhiều gian khổ, nhưng nỗi ám ảnh lớn nhất của nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy không phải là những lần đối mặt với bom đạn hay cận kề quân địch mà là món "cơm đỗ xanh". “Những lần chiến khu hết gạo, không kịp tiếp tế, anh em chúng tôi chỉ ăn cơm đỗ xanh tự tăng gia sản xuất được. Gọi là cơm cho sang chứ thực ra chỉ thấy đỗ xanh, không thấy cơm. Ăn nhiều đỗ xanh đến mức nóng cả ruột”, nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy vẫn nhớ như in dù đã qua hơn 50 năm./.
Xuân Anh – Thu Hương
Bài 2: Hướng về Sài Gòn
- Từ khóa:
- Phóng viên
- ttxvn
- chiến trường
- chiến thắng
- thống nhất