Với 321 triệu người nói tiếng Pháp tại 88 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp 5 châu lục, việc thông thạo tiếng Pháp giúp mỗi người tiếp cận với rất nhiều nền văn hóa đa dạng.
TTXVN - Sáng 25/4, tại Hà Nội, Thư viện Quốc gia Việt Nam phối hợp Cơ quan đại diện Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức Tọa đàm văn học Pháp ngữ. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân Ngày Quốc tế Pháp ngữ, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng, sinh viên ở Thủ đô.
Tại tọa đàm, Quyền Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Nguyễn Xuân Dũng nêu rõ, Thư viện Quốc gia Việt Nam và Cơ quan đại diện Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) khu vực châu Á - Thái Bình Dương là đối tác thân thiết trong nhiều hoạt động dự án. Trong đó phải kể đến, không gian sách tiếng Pháp do Tổ chức chức Quốc tế Pháp ngữ tài trợ cho Thư viện Quốc gia Việt Nam và thư viện 8 tỉnh, thành phố khác giai đoạn 2020-2022. Qua dự án này, gần 6.000 cuốn sách tiếng Pháp ở nhiều lĩnh vực đã được trao tặng cho 9 thư viện... Tọa đàm Văn học Pháp ngữ hôm nay là sự kiện góp phần quảng bá sự đa dạng các nền văn hóa thuộc Cộng đồng Pháp ngữ và biểu đạt văn học Pháp ngữ.
Ông Edgar Doerig, Trưởng đại diện Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ nhấn mạnh, tọa đàm trong khuôn khổ Tuần lễ đọc sách tại Thư viện Quốc gia Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phong phú của các biểu đạt văn học Pháp ngữ ở các nước châu Phi, Bỉ, Canada, Thụy Sỹ. Với 321 triệu người nói tiếng Pháp tại 88 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp 5 châu lục, việc thông thạo tiếng Pháp giúp mỗi người tiếp cận với rất nhiều nền văn hóa đa dạng. Đây cũng là nội dung chủ đề của Ngày Quốc tế Pháp ngữ năm 2023 là “321 triệu người Pháp ngữ, hàng tỷ nội dung văn hóa”.
Hai diễn giả tham gia tọa đàm là Tiến sĩ Trần Văn Công, Trưởng Khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Hà Nội và Tiến sĩ Trần Lê Bảo Châu, Phó Trưởng Khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Hai diễn giả đã cung cấp những nội dung cơ bản về lịch sử văn học Pháp ngữ tại Bỉ, Thụy Sỹ, Canada, châu Phi và Việt Nam.
Hai diễn cùng giới thiệu về Giải thưởng 5 châu lục của Cộng đồng Pháp ngữ. Giải thưởng này nằm trong khuôn khổ dự án của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ từ năm 2001, vinh danh những tài năng văn học phản ánh sự đa dạng văn hóa thông qua những tác phẩm văn học viết bằng tiếng Pháp ở khắp 5 châu lục; quảng bá các tác phẩm đến với công chúng.
Giải thưởng này được dành cho các tác phẩm hư cấu tường thuật (tiểu thuyết, truyện kể và tập truyện ngắn) được xuất bản hàng năm. Cho đến nay, 21 tác giả với những tác phẩm xuất sắc đã được trao giải thưởng trị giá 15.000 Euro và những chuyến đi nhiều nước trên thế giới để quảng bá tác phẩm...
Để tìm ra các tác phẩm xuất sắc nhất, Cơ quan đại diện Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ đã thành lập 6 ban Giám khảo ở 5 châu lục với các đại diện ở Congo, Canada, Senegal, Bỉ, Pháp và Việt Nam. Ban Giám khảo ở Việt Nam gồm 4 đại diện, Chủ tịch Hội đồng là ông Trần Văn Công, Trưởng Khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Hà Nội. Mỗi năm, 6 Ban Giám khảo sẽ đọc thẩm định 200 tác phẩm để lựa chọn ra 10 tác phẩm đề xuất lên Hội đồng Ban Giám khảo quốc tế.
Cho đến nay, với sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, 5 tác phẩm giành Giải thưởng 5 châu lục Pháp ngữ đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt. Đó là các tác phẩm: "Phía sau vụ án người xa lạ" của Nhà văn Algerie Kamel Daoud; "Chàng lùn và giấc mơ toàn cầu" của Nhà văn Congo In Koli Jean Bofane; "Bí mật của mẹ" của Nhà văn Tunisie Fawzia Zouari; "Chuyện người đàn bà di gan" của Nhà văn Bỉ Jean Marc Turine và “Cung điện hai ngọn đồi” của Nhà văn Karim Kattan, người Pháp gốc Palestine.../.