Thời sự

Quốc hiệu Việt Nam khẳng định vị thế độc lập và chủ quyền đất nước

Thừa Thiên Huế

Hội thảo thu hút 26 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước, tập trung các nội dung chính về Quốc hiệu Việt Nam qua các tư liệu lịch sử và mối quan hệ giữa Quốc hiệu Việt Nam với sự phát triển đất nước qua các thời kỳ.

Quang cảnh Hội thảo. 
Ảnh: Mai Trang/TTXVN

TTXVN - Ngày 23/4, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “220 năm Quốc hiệu Việt Nam - Những chặng đường lịch sử (1804-2024)”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho hay, Hội thảo quy tụ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu cấp Trung ương, địa phương tham gia; có ý nghĩa quan trọng đóng góp nhiều góc nhìn, đánh giá có chiều sâu toàn diện về giá trị của Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ. Mặt khác, thông qua các nguồn tư liệu lịch sử quý giá, các chuyên gia làm rõ các thành tựu phát triển và vị thế của đất nước để Quốc hiệu Việt Nam mãi là niềm tự hào của dân tộc, khẳng định vị thế độc lập và chủ quyền của Quốc gia.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại Hội thảo. 
Ảnh: Mai Trang/TTXVN

Đối với Thừa Thiên - Huế, nơi khai sinh Quốc hiệu Việt Nam, các công trình nghiên cứu sẽ làm sáng tỏ các giá trị về lịch sử, văn hóa mà nhiều thế hệ tiền nhân đã xây đắp nên. Đây cũng là cơ sở góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện thành công Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Năm Giáp Tý, ngày Đinh Sửu, 17/2 (tức 28/3/1804), vua Gia Long làm lễ Khánh an kính cáo ở Thái miếu (trong Hoàng thành) đặt tên nước là Việt Nam. Trong lời chiếu, nhà vua khẳng định: “Đế vương dựng nước, trước phải trọng Quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống… cải chính Quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến Quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa”.

Dưới triều Nguyễn, Quốc hiệu Việt Nam được duy trì gần 4 thập kỷ, qua 2 đời vua Gia Long và Minh Mạng. Đến năm Minh Mạng thứ 19 (năm 1838), nhà vua đổi Quốc hiệu từ Việt Nam sang Đại Nam.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, triều Nguyễn kết thúc. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập đã tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Quốc hiệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của một đất nước độc lập và thống nhất.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa trình bày tham luận tại hội thảo. 
Ảnh: Mai Trang/TTXVN

Hội thảo thu hút 26 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước, tập trung các nội dung chính về Quốc hiệu Việt Nam qua các tư liệu lịch sử và mối quan hệ giữa Quốc hiệu Việt Nam với sự phát triển đất nước qua các thời kỳ.

Nổi bật như tham luận “Quốc hiệu Việt Nam ra đời vào năm 1804 là kết quả một quá trình đấu tranh ngoại giao chính trị nổi bật trong lịch sử dân tộc” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; “Quốc hiệu Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm” của Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự; “Quốc hiệu Việt Nam (1804) dưới góc nhìn pháp lý” của nhóm tác giả Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ; “Xác lập và củng cố nền thống nhất Quốc gia qua những lần thay đổi Quốc hiệu” của Tiến sĩ Thái Quang Trung, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế…

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu và đại biểu có nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận làm sáng tỏ ý nghĩa Quốc hiệu đất nước qua các thời kỳ, vị thế của Việt Nam qua những lần thay đổi Quốc hiệu, Quốc hiệu gắn với sự phát triển của đất nước… Các bài viết, tham luận tại hội thảo được bổ sung, biên tập và xuất bản thành sách dự kiến vào tháng 7/2024./.

 

Mai Huyền Trang

Xem thêm