Quốc hội với Cử tri

Quốc hội thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Dầu khí (sửa đổi)

Sáng 14/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Dầu khí (sửa đổi) với đa số đại biểu biểu quyết tán thành.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 14/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) với 459/471 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,17% tổng số đại biểu Quốc hội).

Luật gồm 8 chương với 118 điều, quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến tán thành quy định thành lập Thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc vì có thể làm phát sinh tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí, không phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành, các tổng cục, cục thuộc bộ không thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu quản lý, Luật Thanh tra cho phép Chính phủ xem xét giao một số cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Trên thực tế, các cơ quan này đã thành lập các đơn vị có nhiệm vụ tham mưu và làm công tác thanh tra, với đội ngũ công chức vừa thực hiện nhiệm vụ thanh tra, vừa đồng thời đảm nhiệm các nhiệm vụ chuyên môn khác.

Qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, ở một số nơi, tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành như trên đã bộc lộ bất cập, hạn chế. Bên cạnh đó, một số luật được ban hành sau Luật Thanh tra năm 2010 đã quy định thành lập Thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ. Do đó, trong dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chính phủ đã đề nghị thành lập Thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ để có cơ sở sắp xếp, kiện toàn một bước tổ chức bộ máy làm công tác thanh tra chuyên ngành theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Quá trình xem xét, cho ý kiến về dự án Luật, các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan đều cơ bản nhất trí hướng đổi mới này. Việc thành lập cơ quan thanh tra tại tổng cục, cục được thực hiện trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị và đội ngũ công chức hiện có đang làm nhiệm vụ thanh tra nên không làm phát sinh tăng tổng số đơn vị trực thuộc và biên chế của các tổng cục, cục, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là “việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế”.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về các tiêu chí, điều kiện thành lập Thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ như tại khoản 2 Điều 18; đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tại khoản này đã bổ sung quy định “việc thành lập Thanh tra tổng cục, cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của tổng cục, cục thuộc bộ” để bảo đảm chặt chẽ. Căn cứ quy định của Luật và yêu cầu thực tiễn, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra tại các tổng cục, cục cụ thể.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định thành lập cơ quan thanh tra tại cục thuộc tổng cục được tổ chức theo ngành dọc ở địa phương để tránh xáo trộn lớn về tổ chức bộ máy, biên chế, tăng chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động.

Về cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật chỉ quy định chung về tổ chức và hoạt động thanh tra, trong đó có tiêu chí, điều kiện thành lập. Căn cứ quy định của Luật và yêu cầu thực tiễn, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định cụ thể việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ hoặc giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Về Thanh tra sở, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổng kết thi hành Luật Thanh tra cho thấy, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện có từ 15 đến 19 tổ chức Thanh tra sở nhưng biên chế rất ít, nhiều tỉnh chỉ có  trên dưới 50 người, cá biệt có tỉnh chỉ có 25 biên chế. Do biên chế mỏng, cơ quan thanh tra được thành lập dàn trải ở nhiều sở nên một số cơ quan chỉ được bố trí được từ 1 đến 2 biên chế, dẫn đến hoạt động nặng về hình thức, không hiệu quả.

Để đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Thanh tra sở, khắc phục bất cập, hạn chế nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về Thanh tra sở như tại Điều 26 của dự thảo Luật. Theo đó, giao quyền chủ động cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương và biên chế được giao, trừ một số trường hợp đặc thù do luật định và theo quy định của Chính phủ.

*Cũng trong sáng 14/11, Quốc hội thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi) với 472/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,78%).

Luật Dầu khí gồm 11 Chương 69 Điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Giải trình một số vấn đề cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là chính sách mới của dự thảo Luật với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉ đạo các cơ quan tiếp tục hoàn thiện nội dung này tại dự thảo nghị định và rà soát, ban hành các văn bản dưới luật khác có liên quan, trong đó chú trọng các quy định nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác tận thu và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về dầu khí; nguyên tắc thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo đã bổ sung tại khoản 3 Điều 6 nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về “ứng phó sự cố tràn dầu”. Đối với vấn đề “an ninh quốc gia” đã được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6, nội dung cụ thể thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan về bảo đảm quốc phòng, an ninh; vấn đề “an ninh năng lượng” đã được quy định tại khoản 1 Điều 5, nội dung cụ thể thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan về quy hoạch năng lượng.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo đã bổ sung hành vi lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí gây ô nhiễm môi trường tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật. 

Về hợp đồng dầu khí, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 31 dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng quy định 02 khoản riêng (khoản 6 và khoản 7) về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đối việc quyết định thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí trong 2 trường hợp: bất khả kháng và vì lý do quốc phòng an ninh, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ. 

Về chính sách ưu đãi trong hoạt động dầu khí, dự thảo đã chỉnh sửa về mặt kỹ thuật tại khoản 1 Điều 67 bảo đảm đúng kỹ thuật văn bản, không ảnh hưởng đến nội dung khác của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp khi thực hiện hợp nhất. Đối với chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt trong hoạt động dầu khí, xin được giữ quy định sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như đã trình, không quy định trực tiếp chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt trong hoạt động dầu khí tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp vì gắn với đối tượng ưu đãi cụ thể quy định tại Điều 53 dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Về nghĩa vụ của nhà thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại khoản 12 Điều 59 quy định nghĩa vụ của nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí trước tiên phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả, đồng thời, phù hợp với hợp đồng dầu khí, vì hợp đồng dầu khí chỉ quy định những nguyên tắc chung về nội dung này và mỗi nhà đầu tư có quy chế riêng lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí.

Về quản lý nhà nước về dầu khí, dự thảo Luật chỉ quy định về trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Điều 66) gắn với quy định phân cấp cho Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong hoạt động dầu khí (Điều 63) có nội dung khác với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành.

Dự thảo Luật không quy định điều kiện về vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia và trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho ý kiến đối với nội dung này./. 

Xuân Tùng

Tin liên quan

Xem thêm