Giáo dục

Quy hoạch cơ sở giáo dục đại học và sư phạm: Đảm bảo tính khả thi và hiệu quả khi triển khai

Việc xây dựng một quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Quang cảnh Hội thảo "Góp ý hồ sơ Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050"
Ảnh: Lý Thanh Hương-TTXVN

Ngày 18/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chức Hội thảo "Góp ý hồ sơ Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" nhằm lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học và các bên liên quan nhằm đảm bảo Quy hoạch được xây dựng một cách khoa học, thực tiễn và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến cho biết, việc xây dựng một quy hoạch tổng thể và chiến lược cho hệ thống giáo dục đại học và sư phạm là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Thông qua hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận, phân tích sâu sắc các vấn đề liên quan, từ đó đưa ra những kiến nghị thiết thực, góp phần hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả khi triển khai, đồng thời xây dựng một hệ thống giáo dục đại học và sư phạm hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thời đại và hội nhập quốc tế.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tô Bá Trượng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hợp tác phát triển giáo dục, nếu được triển khai đúng đắn, kế hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 là chiến lược quan trọng, có tính khả thi cao. Để đạt mục tiêu, cần phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, trường đại học và chuyên gia.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tô Bá Trượng đề xuất tập trung vào các giải pháp như: Tăng cường hạ tầng giáo dục hiện đại, ưu tiên chuyển đổi số, phân bổ nguồn lực hợp lý giữa các vùng miền, đặc biệt ở khu vực khó khăn và thu hút sự tham gia của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng giảng viên và xây dựng cơ chế đánh giá, điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo kế hoạch được thực hiện hiệu quả, góp phần phát triển hệ thống giáo dục hiện đại, đáp ứng nhu cầu đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số.

Chia sẻ về quy hoạch các trường đại học sư phạm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Viết Vượng (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đề cập đến việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Phó Giáo sư đề xuất, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để xây dựng đội ngũ nhà giáo trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời quy hoạch hợp lý và đầu tư nâng cấp các trường đại học sư phạm hiện đại hóa cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo. Đây là bước quan trọng nhằm phát triển bền vững nền giáo dục trong bối cảnh hội nhập và đổi mới.

Tiến sỹ Phạm Văn Tân, nguyên Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhận xét, dự thảo Quy hoạch đã tập trung phân tích thực trạng, cơ hội, thách thức và đưa ra các kịch bản phát triển, nhưng cần trả lời rõ ràng các câu hỏi: làm gì, ở đâu, khi nào, ai thực hiện, nguồn lực từ đâu, và kết quả dự kiến là gì.

Tiến sỹ Phạm Văn Tân đề xuất bỏ cụm từ “giáo dục sư phạm” trong tiêu đề để tránh trùng lặp, bởi giáo dục sư phạm đã thuộc phạm vi giáo dục đại học. Đồng thời, cần cập nhật số liệu đến năm 2024 để tăng tính chính xác, thay vì chỉ dựa vào số liệu trước năm 2020. Về thời gian thực hiện, ông kiến nghị điều chỉnh từ 2025-2030 thay vì 2021-2030, do Quy hoạch hiện nay chưa được phê duyệt và các nội dung phải phù hợp với bối cảnh mới.

Ngoài ra, việc phân bổ nguồn lực cần được xác định cụ thể theo từng năm, tránh tình trạng đầu tư dàn trải; ưu tiên phát triển các trường đại học vùng để đáp ứng nhu cầu phát triển khu vực. Đồng thời, cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, vì lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo gắn liền với giáo dục đại học.

Cơ chế giám sát chặt chẽ và chế tài rõ ràng cũng là điều cần thiết để đảm bảo sự tuân thủ của tất cả các cơ sở, đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập. Quy hoạch cần đảm bảo tính khoa học, khách quan và bám sát thực tiễn để xây dựng một hệ thống giáo dục đại học hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung như: Đánh giá thực trạng hệ thống giáo dục đại học và sư phạm, phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức; đồng thời, chỉ ra các bất cập như sự phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, chênh lệch giữa các vùng miền và hạn chế trong chuyển đổi số; các định hướng phát triển mạng lưới giáo dục; đề xuất các kịch bản phát triển và lựa chọn phương án tối ưu nhằm xây dựng hệ thống giáo dục đại học và sư phạm hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước...

Việc phân tầng các trường đại học cần tập trung vào các trường trọng điểm như đại học quốc gia và đại học vùng. Cùng với đó là cách phân bổ hợp lý tài chính, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên để đảm bảo hiệu quả và khả thi cũng được khác đại biểu đưa vào góp ý.

Các đại biểu cũng đề cập đến vai trò của đội ngũ nhà giáo trong nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời đưa ra giải pháp quy hoạch, đầu tư nâng cấp các trường đại học sư phạm nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế./.

Lý Thị Thanh Hương

Tin liên quan

Xem thêm