Hội thảo góp phần tăng cường gắn kết mạng lưới các trường đại học và đối tác cùng đề xuất ý tưởng, giải pháp phù hợp thực tiễn, đưa ra tiêu chí, trụ cột, mô hình phát triển đại học bền vững.
Ngày 7/11, Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Phát triển Đại học bền vững: Cơ hội và thách thức”. Hội thảo quy tụ hơn 200 đại biểu gồm lãnh đạo, nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và thế giới.
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh phát triển Đại học bền vững, trong đó đáng chú ý có các tham luận gồm: “Chuyển đổi để phát triển bền vững”, do Giáo sư Nicolas Maïnetti, Giám đốc Vùng châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) trình bày; “Đại học và Cộng đồng - mối quan hệ đối tác chiến lược cho tương lai - Điển hình của thành phố Cluj-Napoca, Rumani” của Giáo sư, Tiến sĩ Dan Lazar, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Babes Bolyai và Giáo sư, Tiến sĩ Calin Hintea, Chủ tịch Ủy ban Kiểm định của Hiệp hội Kiểm định Hành chính Công châu Âu (EAPAA); “Đổi mới và hợp tác quốc tế vì phát triển bền vững - Điển hình của Trường Đại học Thammasat, Thái Lan” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Supreedee Rittironk, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thammasat.
Ngoài ra, trong phiên toàn thể của Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Frédérique Vidal, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Cộng hòa Pháp, nguyên Giám đốc UniCA phát biểu về những cơ hội, thách thức đối với giáo dục đại học để phát triển bền vững trong tương lai.
Trong khuôn khổ Hội thảo diễn ra phiên Tọa đàm bàn tròn chủ đề “Toàn cầu hóa - xu hướng giáo dục bền vững trong đào tạo, nghiên cứu sáng tạo, vận hành, quản trị và kết nối cộng đồng phục vụ định hướng phát triển Đại học bền vững”.
Tại chương trình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho hay, phát triển bền vững ngày nay là mục tiêu của nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới. Tháng 8/2004, Việt Nam ban hành Chương trình Nghị sự 21 (Vietnam Agenda 21) định hướng chiến lược phát triển bền vững, trong đó có giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng. Thách thức cơ bản đối với giáo dục đại học hiện nay là những vấn đề thời sự liên quan đến toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức với xã hội thông tin, chất lượng giáo dục đại học.
Đối với Đại học Đà Nẵng, các giải pháp phát triển bền vững, thực hiện nhiệm vụ phát triển thành Đại học Quốc gia theo chủ trương, chiến lược nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị là một chủ đề trọng tâm.
Theo Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Hội thảo góp phần tăng cường gắn kết mạng lưới các trường đại học và đối tác cùng đề xuất ý tưởng, giải pháp phù hợp thực tiễn, đưa ra tiêu chí, trụ cột, mô hình phát triển đại học bền vững; kết nối tri thức liên ngành, đa ngành, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần giải quyết thách thức trong xã hội đương đại.
Dịp này, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và Đại học Đà Nẵng ký thỏa thuận hợp tác. Theo đó, hai bên tiếp tục phối hợp tổ chức sự kiện khoa học quốc tế, sự kiện của AUF cũng như các thành viên của AUF tại Đại học Đà Nẵng; cùng phát triển dự án đổi mới sáng tạo; hỗ trợ sinh viên cơ hội việc làm, được tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng mềm và giao lưu với doanh nghiệp, khởi nghiệp; phối hợp triển khai Dự án Smart - Campus châu Á - Thái Bình Dương. Qua đó góp phần nâng cao năng lực sáng tạo cho sinh viên của các thành viên của AUF cũng như Đại học Đà Nẵng./.