Những ngày cuối năm 2024, nhiệt độ vùng núi trên dãy Trường Sơn giữa hai nước xuống thấp. Tuy nhiên, ở Trung tâm Y tế huyện A Lưới, mọi người lại ấm lòng vì những sẻ chia của các y bác sĩ và cộng đồng.
Huyện A Lưới, thành phố Huế có đường biên giới giáp ranh với các tỉnh Sê Kông và Salavan (Lào). Những con đường nối liền hai đất nước còn nhiều gập ghềnh, hiểm trở, việc đi lại khó khăn nhưng người dân nước bạn Lào vẫn đến khám bệnh tại huyện A Lưới ngày càng tăng.
*Tin tưởng bác sĩ Việt
Có 3 bản của người Lào giáp biên giới huyện A Lưới là bản Ka Lô, Sê Sáp thuộc huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông và bản Cô Tài, huyện Sa Muội, tỉnh Salavan với khoảng 220 hộ dân. Các bản đa số ở nơi hẻo lánh, thiếu y tế cơ sở. Một số nơi, bà con phải mất hai ngày đường mới có thể tiếp cận các cơ sở y tế. Vậy nên, với những người dân Lào nơi đây, y tế huyện A Lưới là “chiếc phao cứu sinh” mỗi khi ốm đau hay cần cấp cứu.
Hầu như mỗi tuần đều có bệnh nhân từ Lào đến điều trị tại Trung tâm Y tế huyện A Lưới; trong đó, Khoa Nội tổng hợp - Nhi là nơi tiếp nhận nhiều nhất. Những ngày cuối năm, một số bệnh nhân lớn tuổi vẫn ở lại đây điều trị nội trú.
Ông Hồ Văn Pếp (67 tuổi, huyện Xà Muồi, tỉnh Salavan, Lào) là một trong số đó. Đây là lần đầu tiên ông sang thăm khám tại Trung tâm Y tế huyện A Lưới sau nhiều ngày đau bụng, mất ngủ vì khát nước, tiểu tiện nhiều. Thấy bệnh không thuyên giảm, cơ thể mệt mỏi, sút cân nhanh, gia đình quyết định đưa ông đến A Lưới điều trị, mới phát hiện ông mắc đái tháo đường tuýp 1.
Nằm đối diện ông Pếp là bệnh nhân Quỳnh Thiệu (64 tuổi) gặp nhiều vấn đề về sức khỏe với các bệnh lý đái tháo đường tuýp 2, đại tràng, tai biến, tăng huyết áp và viêm phế quản. Ông Thiệu nhớ lại, để sang đến đây, ông phải nhờ hai người trong bản chở đi bằng xe máy. Trời mưa to, đường xấu nên mất một ngày mới có mặt được ở A Lưới.
“Tôi tin tưởng mối tình kết nghĩa anh em của A Lưới và Xà Muồi lắm nên về đây điều trị. Cơ sở ở đây sạch sẽ, bác sĩ cũng chăm sóc tốt nữa. Mới nằm viện vài ngày, tôi thấy ổn rồi” - ông Thiệu bộc bạch.
Được điều trị, chăm sóc và ăn uống theo chế độ riêng của bác sĩ, hai bệnh nhân đã thấy phấn khởi, sức khỏe tiến triển. Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thanh Lễ, Khoa Nội tổng hợp - Nhi cho biết, cao huyết áp, viêm khớp, viêm phế quản và đái tháo đường là những bệnh thường gặp ở bệnh nhân Lào lớn tuổi. Trong khi đó, trẻ em Lào thường suy dinh dưỡng, tiêu chảy, tắc ruột do giun sán. Không chỉ được điều trị, chăm sóc tương tự với người dân Việt Nam, các bác sĩ còn truyền thông giáo dục sức khỏe và tư vấn chế độ sinh hoạt để bà con có thể tự chăm sóc khi xuất viện.
Sống ở vùng biên giới hai nước, cùng là đồng bào dân tộc Pa Cô, Cờ Tu vậy nên việc trao đổi giữa cán bộ y tế Trung tâm Y tế huyện A Lưới và người dân Lào có nhiều thuận lợi. Thậm chí một số người bệnh Lào còn có thể nói tiếng Việt thành thạo với các bác sĩ, điều dưỡng.
Dù việc đi lại, tiếp cận với cơ sở y tế tại huyện A Lưới còn gặp khó khăn nhưng số người bệnh Lào đến điều trị tại Trung tâm Y tế huyện lại tăng cao qua từng năm. Năm 2024, đơn vị tiếp nhận 380 lượt khám, điều trị, tăng 150% so với năm trước.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Hồ Bách Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới, cơ sở luôn nâng cao công tác tiếp đón, thăm khám, điều trị đối với bệnh nhân người Lào; đồng thời tạo điều kiện tốt nhất trong điều trị, mang lại sự an tâm, tin tưởng của người bệnh Lào. Tất cả bệnh nhân và người nhà điều trị nội trú đều được hỗ trợ suất ăn miễn phí hằng ngày.
Khi có bệnh nặng, không thể đến cơ sở y tế, quân y Bệnh xá Đoàn kinh tế Quốc phòng 92 (thuộc Quân khu 4 trên địa bàn huyện A Lưới) đến trực tiếp nhà người bệnh xử trí và vận chuyển cấp cứu đến Trung tâm Y tế huyện để điều trị. Với những bệnh nặng vượt khả năng, đơn vị bố trí xe cấp cứu cùng cán bộ y tế đưa bệnh nhân đến tuyến trên kịp thời.
Nhớ về ca bệnh đặc biệt trong năm 2024, ông Hồ Bách Thắng chia sẻ, đó là bệnh nhi 14 tuổi vào viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng, sốt cao 40-41 độ C vì vỡ ruột thừa kéo dài. Bệnh nhân cần được chuyển tuyến để cấp cứu, tuy nhiên, vì tình trạng nguy kịch, bác sĩ quyết định phẫu thuật nhanh chóng và kịp thời cứu sống bệnh nhân một cách ngoạn mục. Đến nay, bệnh nhi vẫn thi thoảng đến thăm các bác sĩ đơn vị với tinh thần lạc quan và khỏe mạnh.
* Ấm lòng những sẻ chia
Những ngày cuối năm 2024, nhiệt độ vùng núi trên dãy Trường Sơn giữa hai nước xuống thấp. Tuy nhiên, ở Trung tâm Y tế huyện A Lưới, mọi người lại ấm lòng vì những sẻ chia của các y bác sĩ và cộng đồng.
Bên cạnh giường bệnh của ông Pếp và ông Thiệu chất đầy những chiếc túi lớn đựng áo quần ấm. Những chiếc áo ấy được họ tranh thủ lựa chọn từ Tủ áo quần tình thương “Ai cần đến lấy - Ai có đến cho” trong khuôn viên Trung tâm Y tế huyện A Lưới từ sáng sớm. Chỉ tay vào những túi đồ, ông Pếp phấn khởi khoe đã lựa được rất nhiều món đẹp, mới cho con cháu.
Với những người bệnh không tiện đi lại như chị Lê Thị Nhỏ (31 tuổi, người Việt sinh sống tại bản Ka Lô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông), Tết ấm khi các điều dưỡng mang đến một túi to áo quần sơ sinh tặng con gái chị. Chị cảm động chia sẻ, có đội ngũ y bác sĩ chăm sóc, chị không cần lo lắng điều gì.
Phần lớn người bệnh Lào đến điều trị tại A Lưới có hoàn cảnh khó khăn, điều kiện sống còn thiếu thốn. Ngoài hỗ trợ chi phí trong thời gian nằm viện, Trung tâm Y tế huyện còn tổ chức đợt khám bệnh miễn phí, tặng quần áo, nhu yếu phẩm cho người dân Lào vùng biên giới. Thậm chí, những phần sữa hỗ trợ của cán bộ y tế cũng được đem bán lấy tiền để giúp đỡ bệnh nhân Lào có thêm kinh phí trang trải cuộc sống.
Khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân Lào là một trong những chính sách mà địa phương rất quan tâm. Hằng năm, huyện bố trí kinh phí để Trung tâm Y tế huyện mua thuốc, thăm khám cho bệnh nhân Lào khi có nhu cầu; hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bà con vùng biên giới, đặc biệt trong dịp lễ cổ truyền nước Lào.
Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Văn Hải cho biết, nhờ mối quan hệ tốt đẹp giữa địa phương và các xã, bản nước bạn Lào, chủ quyền hai nước giữ vững, ổn định. Người dân ở khu vực biên giới hai bên có mối quan hệ gần gũi.
Hiện nay, huyện bố trí khoảng 300 triệu đồng mỗi năm để khám, điều trị cho nhân dân Lào. Với lượng bệnh nhân có xu hướng tăng, ngân sách huyện gặp nhiều khó khăn. Do đó, huyện mong muốn sớm có chính sách để bệnh nhân người Lào được tham gia bảo hiểm y tế tương tự người dân Việt Nam; thành phố Huế mở rộng địa bàn các bản Lào được hỗ trợ y tế tại Trung tâm Y tế huyện A Lưới, ông Nguyễn Văn Hải chia sẻ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế thành phố Huế, sự hợp tác giữa các địa phương giáp biên giới thành phố Huế và hai tỉnh Sê Kông, Salavan Lào trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng biên giới thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Các chương trình hợp tác y tế và hỗ trợ từ chính quyền thành phố Huế nói chung, huyện A Lưới nói riêng giúp nâng cao khả năng phục vụ, giảm bớt gánh nặng cho người dân Lào trong tìm kiếm dịch vụ y tế. Từ đó, góp phần thắt chặt tình đoàn kết gắn bó keo sơn đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào./.