Thời tiết

Sạt lở diễn biến phức tạp: Chủ động các giải pháp ứng phó

Các chuyên gia phòng, chống thiên tai cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, sụt lún đất, các hình thái thời tiết cực đoan khác và các hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội là nguyên nhân gây sạt lở.

Khu vực bị bị sạt lở tại Kênh 10 Châu Phú ấp Hưng Thạnh, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. 
Ảnh: TTXVN phát

Thời gian gần đây, sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng. Điều đáng nói là tình trạng này diễn ra với tần suất và mức độ thiệt hại ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gây nhiều thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng sạt lở còn kéo dài và diễn biến phức tạp và mở rộng ra nhiều địa phương trên cả nước.

* Đe dọa cuộc sống người dân

Mới đây, sáng 31/5/2024, tại quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ đã xảy ra sạt lở bờ sông Bình Thủy; đoạn sạt lở dài khoảng 70m, rộng trung bình 8m, làm 10 căn nhà ven mặt tiền đường Bùi Hữu Nghĩa sụp một phần xuống sông Bình Thủy, rất may là không có thiệt hại về người.

Tại thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra liên tiếp 3 vụ sạt lở gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hàng chục căn nhà đổ sụp, rạn nứt. Nhiều căn có nguy cơ tiếp tục sạt lở trong thời gian tới.

Là địa phương có mức độ sạt lở bờ sông, bờ biển lớn, tỉnh Bến Tre đang có khoảng 13 km bờ sông và 8,5 km bờ biển bị ảnh hưởng sạt lở. Nhiều địa phương có mức độ sạt lở nghiêm trọng như: Khu vực bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; bờ sông Mỏ Cày; khu vực các cồn Tam Hiệp, Phú Đa, Thành Long. Tỉnh đang cần bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, ước tổng nhu cầu kinh phí thực hiện trên 1.000 tỷ đồng.

Sạt lở bờ sông ở thị trấn Mỏ Cày Nam, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. 
Ảnh: TTXVN phát

Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện còn 48 điểm, khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài khoảng 214km cần khắc phục khẩn cấp, trong đó có 44 khu vực sạt lở bờ sông với tổng chiều dài gần 200km, ước kinh phí khắc phục khoảng 4.325 tỷ đồng. Tỉnh có 4 khu vực sạt lở bờ biển tổng chiều dài hơn 15km, ước kinh phí khắc phục khoảng 1.518 tỷ đồng.

Đánh giá nguyên nhân sạt lở, các chuyên gia phòng, chống thiên tai cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, sụt lún đất, các hình thái thời tiết cực đoan khác và các hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội như: vi phạm, xây dựng công trình không tuân thủ quy hoạch, khai thác cát, sỏi quá mức… dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng.

Theo Cơ quan Dự báo khí tượng thủy văn, hiện Việt Nam chưa có khả năng dự báo sạt lở đất (mới chỉ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở quy mô cấp tỉnh, cấp huyện) do mô hình dự báo mưa lũ còn hạn chế… Mặt khác, việc tắc nghẽn dòng tự nhiên cũng gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất.

* Tập trung nguồn lực khắc phục, đầu tư công trình

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn đã được các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương triển khai, đề xuất.

Ngay sau khi sạt lở xảy ra tại quận Bình Thủy, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) , Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận Bình Thủy, UBND phường Long Hòa đã huy động lực lượng tại chỗ khoảng 70 người hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sạt lở tháo dỡ, di dời khẩn cấp các vật dụng, đồ dùng đến nơi an toàn; lắp đặt biển báo, căng dây cảnh báo và thông báo rộng rãi cho người dân quanh khu vực biết để phối hợp, chủ động phòng, chống; tuyên truyền, vận động không để người còn ở lại trong các căn nhà bị ảnh hưởng bởi sạt lở. UBND thành phố Cần Thơ đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành Trung ương phân bổ kinh phí đầu tư Dự án Kè chống sạt lở sông Bình Thủy (đoạn từ cầu Rạch Chanh đến cầu Rạch Cam) với kinh phí đầu tư dự kiến 100 tỷ đồng.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lưu Hoàng Ly nhận định, khó khăn đối với vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển hiện nay vẫn là kinh phí hỗ trợ các hộ dân di dời đến nơi an toàn. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ hơn 3.660 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án đầu tư cấp bách đối với các khu vực sạt lở nguy hiểm và phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất với tổng chiều dài 82,3km.

Tỉnh Bến Tre đang triển khai thi công khẩn cấp hai công trình bờ kè chống sạt lở lớn ven sông, ven biển ở các huyện Châu Thành và Ba Tri đảm bảo đạt tiến độ, chất lượng đề ra. Theo đó, địa phương đang đầu tư Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Giao Hòa, xã Giao Long, huyện Châu Thành và Dự án Phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 đã hỗ trợ cho tỉnh Bến Tre.

Thi công xây dựng bờ kè sông Kinh Nhánh trên địa bàn thành phố Rạch Giá. 
Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Tại tỉnh Trà Vinh, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Trung ương và địa phương đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục, đầu tư các công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, xây kè, đê bảo vệ các đoạn xung yếu, triển khai các dự án chống xói lở, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển… Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương hạn chế nên UBND đã có văn bản kiến nghị bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn cho tỉnh khắc phục sự cố sạt lở.

Đề cập đến việc tăng cường chất lượng bản tin cảnh báo sạt lở đất, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng,Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, ngành chỉ đạo đơn vị chức năng trực thuộc tăng cường cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét thông qua việc áp dụng công nghệ đồng hóa dữ liệu cảnh báo mưa, dông hạn cực ngắn cho khu vực miền núi. Cùng với đó, xác định ngưỡng mưa gây sạt lở, lũ quét cho khu vực miền núi, khu vực trọng điểm xảy ra sạt lở, lũ quét...; nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống cảnh báo tác động và cảnh báo rủi ro do sạt lở đất...

Về lâu dài, các bộ, ngành, địa phương triển khai, thực hiện Quyết định số 1162/QĐ-TTg, ngày 8/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành về bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 là 4.000 tỷ cho các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; thực hiện nghiêm Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021. Trong đó, tập trung vào việc tăng cường quản lý nhà ở ven sông, ven biển làm gia tăng nguy cơ sạt lở, đồng thời từng bước di dời nhà ở, công trình xây dựng trái phép bảo đảm ổn định lâu dài; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm; tổ chức xây dựng công trình chỉnh trị và công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó có việc nghiên cứu vật liệu mới để thay thế cát, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng, chống sạt lở; tổ chức trồng, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển; tăng cường hợp tác quản lý nguồn nước và xây dựng hồ chứa thượng nguồn đối với các quốc gia thượng nguồn sông Mekong.../.

Thắng Trung

Xem thêm