Quan hệ hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây đã tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga hiện nay.
Ngày 24/4 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Học viện Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA) tổ chức Hội thảo “Cơ hội hợp tác Việt - Nga trong thời đại số”. Sự kiện nhằm trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất định hướng hợp tác mới giữa hai nước trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu ngày càng mạnh mẽ. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện các cơ quan khoa học hai nước.
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, quan hệ hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây đã tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga hiện nay. Trong bối cảnh biến động địa chính trị và cạnh tranh toàn cầu gia tăng, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như công nghệ, kinh tế số, năng lượng tái tạo, văn hóa và giáo dục.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh kỳ vọng hội thảo sẽ là một diễn đàn học thuật thực chất, giúp đề xuất giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao hợp tác song phương, đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2030.
Từ góc độ kinh tế số, Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới nhận định, Nga có thế mạnh về công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và phần mềm mã nguồn mở. Đây là cơ hội lớn để hai nước xây dựng quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực chuyển đổi số. Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn đề xuất thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác số; tăng cường trao đổi chính sách, tổ chức diễn đàn công nghệ - doanh nghiệp và thúc đẩy các chương trình đào tạo nhân lực số. Các lĩnh vực tiềm năng bao gồm điện toán đám mây, chính phủ số, thành phố thông minh và các chuỗi giá trị công nghệ khu vực.
Liên quan đến số hóa tài liệu phục vụ giảng dạy và nghiên cứu, Tiến sỹ Roman Konchakov, Chủ nhiệm khoa Lịch sử Ngữ văn, Học viện Tổng thống (Liên bang Nga) cho biết, các công nghệ mới như nhận diện chữ viết tay, siêu dữ liệu mô tả tài liệu và học máy đang mở ra khả năng tiếp cận các nguồn tư liệu lịch sử quý hiếm một cách hiệu quả và sâu sắc hơn. Việc phát triển các nền tảng dữ liệu mở, bản đồ số và giao diện kỹ thuật số sẽ hỗ trợ thiết thực cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy lịch sử cho cả hai nước trong thời đại mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, thời đại số mở ra những cơ hội to lớn để hai nước mở rộng không gian hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và công nghệ số phục vụ quản lý công. Nhiều ý kiến đề xuất thiết lập các cơ chế phối hợp chính sách, phát triển hạ tầng số, hỗ trợ vườn ươm công nghệ và tăng cường trao đổi học giả, chuyên gia để nâng tầm quan hệ Việt - Nga trong giai đoạn mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa và chuyển đổi số sâu rộng hiện nay./.
- Từ khóa:
- Kinh thế số
- chuyển đổi số