Khoa học

Đưa Nghị quyết 57 vào thực tiễn, phù hợp đặc thù phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

Vĩnh Long

Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện tái cấu trúc ranh giới hành chính, nâng cao năng lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.


Quang cảnh tọa đàm. 
Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN

Ngày 17/4, tại Vĩnh Long, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức Tọa đàm khoa học "Chính sách thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia".

Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, với nền kinh tế số chiếm tối thiểu 50% GDP và thuộc nhóm 30 quốc gia dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc triển khai Nghị quyết 57 tại các địa phương đóng vai trò then chốt, yêu cầu sự cụ thể hóa chính sách phù hợp điều kiện thực tiễn và khả năng sáng tạo của từng vùng.

Theo Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần cụ thể hóa và triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Nâng cao nhận thức, quyết tâm chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; khẩn trương hoàn thiện thể chế, xóa bỏ rào cản, biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng; phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống chính trị và quản lý nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực.

Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm. 
Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN

Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành nhấn mạnh, cùng cả nước, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện tái cấu trúc ranh giới hành chính, nâng cao năng lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thực tiễn cho thấy, các tỉnh, thành phố trong khu vực đang có sự chuyển động mạnh mẽ trong tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và số hóa lĩnh vực trọng yếu như, quản trị công, sản xuất, kinh doanh, giáo dục, y tế và dịch vụ công để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Các tham luận tại tọa đàm tập trung làm rõ vai trò then chốt của bộ ba (khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số) trong phát triển, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở các địa phương; hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả chuyển đổi số khu vực công. Cùng với đó là nêu kinh nghiệm triển khai Nghị quyết 57 ở địa phương; mô hình liên kết liên kết nghiên cứu triển khai và đổi mới sáng tạo giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp; kinh nghiệm quốc tế và khát vọng của Việt Nam trong đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng GDP bền vững giai đoạn 2026-2030...

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Xuyên, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), phát biểu tại tọa đàm. 
Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN

Các ý kiến tại tọa đàm đóng góp thiết thực trong xây dựng và hoàn thiện chính sách khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại các địa phương; góp phần đưa Nghị quyết 57 vào thực tiễn hiệu quả, đồng bộ và phù hợp đặc thù phát triển vùng.

Tiến sĩ Thái Kim Phụng, Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế (UEH) cho rằng, bằng việc ứng dụng tiến bộ vượt bậc của cuộc cách mạng công nghệ số, các tổ chức công đang đứng trước cơ hội cải tiến dịch vụ hướng đến hiệu quả, minh bạch, tiện ích, đáp ứng nhu cầu thay đổi của xã hội. Thực tiễn cho thấy, việc ứng dụng chuyển đổi số đang tạo nên nhiều giá trị trong khu vực công.

Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong khu vực công, trước mắt cần nâng cao trình độ, kỹ năng số cho đội ngũ nhân lực, từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý và cải thiện hạ tầng công nghệ. Về lâu dài cần xây dựng chiến lược, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và từng bước ứng dụng công nghệ đột phá.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, các địa phương cần chủ động xây dựng chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nghiệp, cộng đồng để họ có thể làm chủ công nghệ mới. Các địa phương cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phát triển mô hình ứng dụng thực tiễn trong đời sống./.

Phạm Minh Tuấn

Tin liên quan

Xem thêm