Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tiếp tục phát huy vai trò phản biện, đóng góp những ý kiến có giá trị khoa học và thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ngày 9/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Một số ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV”. Sự kiện nhằm tập hợp và phản ánh các ý kiến, kiến nghị của đội ngũ trí thức đối với những nội dung quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp sắp tới, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật trên cơ sở khoa học và thực tiễn.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng cho biết, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra từ ngày 5/5 đến 28/6/2025, là kỳ họp dài nhất nhiệm kỳ với khối lượng công việc lớn, tập trung vào nhiều nội dung quan trọng như sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, xem xét 13 dự án luật và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trước yêu cầu đó, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ cần tiếp tục phát huy vai trò phản biện, đóng góp những ý kiến có giá trị khoa học và thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận với nội dung đa dạng, tập trung vào các nhóm vấn đề lớn như tăng trưởng kinh tế; hoàn thiện thể chế; đổi mới sáng tạo; lao động; việc làm và an sinh xã hội...
Đóng góp ý kiến về mục tiêu tăng trưởng, Tiến sĩ Phạm Đình Thúy, đại diện Hội Thống kê Việt Nam nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt trên 8% và giai đoạn 2026–2030 đạt mức hai con số như kỳ vọng là rất cao và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021–2030 đề ra mục tiêu tăng trưởng bình quân 7%/năm, trong khi thực tế giai đoạn 2021–2025 ước đạt trung bình 6,22%/năm. Tuy nhiên, với đà phục hồi rõ rệt sau đại dịch COVID-19, cùng với sự chủ động hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng. GDP năm 2024 ước tăng 7,09%, cao hơn mức 5,07% của năm 2023; xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đầu tư nước ngoài tiếp tục được duy trì; nền chính trị ổn định là yếu tố then chốt tạo sức hút cho dòng vốn và công nghệ quốc tế.
Bên cạnh các cơ hội, Tiến sĩ, Phạm Đình Thúy cũng chỉ ra những thách thức từ biến động kinh tế toàn cầu, trong đó có nguy cơ từ các rào cản thương mại, cạnh tranh chuỗi cung ứng và các điều chỉnh chính sách từ các đối tác lớn. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư toàn xã hội, tăng hiệu quả xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng trong nước và cải thiện năng suất lao động. Về cơ cấu tăng trưởng, vai trò dẫn dắt của khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ hiện chiếm gần 80% GDP, trong đó ngành chế biến, chế tạo và các dịch vụ hiện đại cần tiếp tục được ưu tiên phát triển.
Liên quan đến chính sách xã hội, Thạc sĩ Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề và giảm nghèo; kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về lao động, việc làm và an sinh xã hội theo hướng bền vững và hiệu quả hơn; cần có các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, mở rộng chương trình nhà ở xã hội, kiểm soát giá cả thị trường và bảo đảm ổn định đời sống người dân, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ.
Phân tích vấn đề từ góc độ thể chế và đổi mới sáng tạo, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, đổi mới thể chế là yêu cầu cấp thiết để tạo động lực tăng trưởng, trong đó cần chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, lấy kết quả làm trung tâm trong quản lý đầu tư, xây dựng và môi trường. Việc áp dụng mô hình đô thị gắn với giao thông công cộng là hướng đi cần thiết để tận dụng hiệu quả nguồn lực trong dân, khuyến khích các dự án kết hợp đồng bộ hạ tầng, nhà ở, thương mại. Bên cạnh đó, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cần sớm ban hành cơ chế tạo thị trường trong nước cho sản phẩm khoa học và công nghệ có chất lượng, giá thành hợp lý, đồng thời sửa đổi luật đấu thầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào các chuỗi công nghệ.
Liên quan đến thị trường bất động sản, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đề xuất tăng cường giám sát và điều tiết hợp lý nhằm phát triển cân bằng giữa các phân khúc nhà ở cao cấp, trung bình và xã hội; cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách nhà ở đô thị theo hướng chủ động, bền vững, phù hợp với năng lực phát triển của từng địa phương.
Tại Hội thảo, ý kiến của các đại biểu đều thể hiện rõ lập luận khoa học, tính thực tiễn cao, bám sát yêu cầu phát triển, hội nhập và đổi mới trong giai đoạn hiện nay. Những kiến nghị tâm huyết sẽ được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổng hợp, gửi tới Quốc hội để nghiên cứu, xem xét, phục vụ quá trình xây dựng chính sách, pháp luật hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước./.