Hội nghị là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Viện Hóa học chia sẻ các kết quả hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực các chất có hoạt tính sinh học, qua đó thảo luận nhằm định hướng phát triển hướng đa dạng sinh học và các chất có hoạt tính sinh học trong tương lai.
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (1975-2025), ngày 4/4, tại Hà Nội, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức Hội nghị khoa học “Đa dạng sinh học và các chất có hoạt tính sinh học vì sự phát triển bền vững”.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Hồng Minh, Phó Viện trưởng Viện Hóa học cho biết, nghiên cứu hóa học các hợp chất có hoạt tính sinh học từ thiên nhiên là một trong những thế mạnh của Viện Hóa học từ khi thành lập năm 1978. Trải qua 47 năm nghiên cứu phát triển, Viện Hóa học đã đạt được nhiều thành công và đóng góp vào sự phát triển chung của nền khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực hóa học các hợp chất thiên nhiên, với rất nhiều cấu trúc mới đã được xác định từ các nguồn thực vật và vi sinh vật khác nhau. Do đó, Hội nghị là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Viện Hóa học chia sẻ các kết quả hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực các chất có hoạt tính sinh học, qua đó thảo luận nhằm định hướng phát triển hướng đa dạng sinh học và các chất có hoạt tính sinh học trong tương lai.
“Đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực hóa học hợp chất thiên nhiên, việc đào tạo các nhà khoa học và chuyên gia có kiến thức chuyên sâu là cần thiết. Vì vậy, thời gian tới, Viện Hóa học sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghiên cứu viên nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng, góp phần đưa Việt Nam tiệm cận với trình độ khoa học quốc tế, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững trong tương lai”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
Báo cáo một số kết quả hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực các chất có hoạt tính sinh học của Viện Hóa học, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Phương Thảo, Viện Hóa học cho rằng, trong giai đoạn 2020-2025, Viện Hóa học đã chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đa dạng sinh học và các chất có hoạt tính sinh học. Các nhiệm vụ này được thực hiện đồng thời với sự kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng nhằm phát triển các sản phẩm ứng dụng trong công nghệ dược phẩm, tạo ra các liệu pháp điều trị mới, hiệu quả và an toàn hơn, hỗ trợ điều trị bệnh phục vụ con người. Đối tượng nghiên cứu chủ yếu là các cây thuốc đã được sử dụng phổ biến trong dân gian. Kết quả nghiên cứu khoa học đã được công bố trên các tạp chí trong nước (40 bài) và quốc tế uy tín (224 bài) hoặc thông qua 4 bằng sáng chế và 8 giải pháp hữu ích, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển các sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng trong tương lai gần.
Tại Hội nghị, 34 bài báo có chất lượng được phản biện và đăng trong kỷ yếu của Hội nghị. Một số báo cáo các kết quả nghiên cứu điển hình như: Nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng điều hòa đường huyết từ vỏ trái cà phê; ứng dụng các phương pháp tính toán mô phỏng - kết hợp trí tuệ nhân tạo trong tìm kiếm và thiết kế thuốc; nghiên cứu thành phần hóa học một số loài động vật thân mềm ở Việt Nam; nghiên cứu phát triển các hoạt chất chống ung thư mới có chứa dị vòng pharmacophore…
Chia sẻ nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng điều hòa đường huyết từ vỏ trái cà phê, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mai Đình Trị, Viện Công nghệ hóa học khẳng định, kết quả nghiên cứu cho thấy, viên nang cà phê có tác dụng điều hòa đường huyết trở về giá trị bình thường chứ không gây hạ đường huyết như thuốc tân dược glibenclamide trên thực nghiệm dung nạp glucose chuột bình thường sau 7 ngày uống.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mai Đình Trị đề xuất, thời gian tới Viện Công nghệ hóa học cần tiếp tục nghiên cứu, cải tiến: độ hòa tan của chế phẩm viên nang, độ bền của sản phẩm theo thời gian; chế phẩm dạng nano cao chiết và đánh giá tác dụng kháng đái tháo đường và độc tính bán trường diễn chế phẩm viên nang.
Các đại biểu cũng thảo luận về nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển xanh và bền vững ở Việt Nam; hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, nghiên cứu về hóa học và hoạt tính sinh học từ sinh vật biển Việt Nam..., từ đó đề xuất định hướng nghiên cứu hóa sinh biển và phát triển đa dang sinh học trong tương lai./.
- Từ khóa:
- thành tựu
- các chất
- hoạt tính sinh học