Hội nghị là dịp để các nhà khoa học thuộc các viện chuyên ngành khác nhau trao đổi, hợp tác đa ngành trong hoạt động nghiên cứu và triển khai công nghệ ở Viện Hàn lâm; thảo luận, đóng góp ý kiến cho phương hướng chiến lược phát triển Viện Hàn lâm giai đoạn 2025-2030; tạo mạng lưới kết nối giữa nhà quản lý- nhà khoa học - doanh nghiệp - địa phương…
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (20/5/1975-20/5/2025), ngày 27/3, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học "Thương mại hóa kết quả nghiên cứu: Cơ hội và giải pháp” nhằm giới thiệu một số thành tựu và kết quả nghiên cứu nổi bật trong suốt 50 năm qua của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tập trung chủ yếu vào giai đoạn 5 năm gần đây (2020-2025).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chu Hoàng Hà cho biết, ngay từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã sớm định hướng tập trung các hoạt động khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực quan trọng như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu và khoa học công nghệ biển….Viện Hàn lâm đã xây dựng mô hình tổ chức, phân bổ lực lượng cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật một cách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai, điều tra cơ bản, sản xuất thử nghiệm và chuyển giao công nghệ theo các chương trình đề tài khoa học công nghệ từ các cấp: Nhà nước, Bộ, Viện Hàn lâm, cơ sở, với phương châm gắn bó với thực tế sản xuất, đời sống và đáp ứng tốt nhất những yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Hội nghị là dịp để các nhà khoa học thuộc các viện chuyên ngành khác nhau trao đổi, hợp tác đa ngành trong hoạt động nghiên cứu và triển khai công nghệ ở Viện Hàn lâm; thảo luận, đóng góp ý kiến cho phương hướng chiến lược phát triển Viện Hàn lâm giai đoạn 2025-2030; tạo mạng lưới kết nối giữa nhà quản lý- nhà khoa học - doanh nghiệp - địa phương…Qua đó, đề xuất các giải pháp thúc đẩy hoạt động ứng dụng và triển khai công nghệ trong thời gian tới.
Các báo cáo trình bày tại Hội nghị chủ yếu đề cập đến những khó khăn, rào cản trong cơ chế chính sách; chia sẻ những kết quả nghiên cứu, ứng dụng và triển khai công nghệ nổi bật, trải dài trên nhiều lĩnh vực của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong giai đoạn 2020-2025 nhằm tạo điều kiện để các nhà khoa học trẻ tìm hiểu về Viện Hàn lâm, thu hút các tài năng trẻ về đóng góp cho sự nghiệp khoa học Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm trong chuyển giao nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Phương Thư, Giám đốc Trung tâm Vật liệu y sinh tiên tiến, Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đang có những chính sách thúc đẩy sự phát triển của "thị trường khoa học và công nghệ". Thị trường này sẽ hoạt động một cách sôi động hơn khi sợi dây kết nối giữa "cung" và "cầu" được liên kết chặt chẽ. Các nhà khoa học chính là "cung"; doanh nghiệp, nhu cầu của người dân chính là "cầu".
“Thời gian tới, các nhà khoa học và doanh nghiệp cần phải có mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn. Muốn thực hiện tốt vai trò của mình, nhà khoa học cần phải nắm vững công nghệ, tạo ra các sản phẩm đáp ứng được với nhu cầu của thị trường, có khả năng chủ động tìm kiếm, thu hút các nguồn đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu. Doanh nghiệp phải có khả năng nắm bắt và phát triển thị trường; thu hút các nguồn đầu tư cho quá trình sản xuất và thương mại hóa sản phẩm”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Phương Thư chia sẻ.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp khoa học công nghệ, ông Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Tập đoàn Dược Thái Minh đề xuất giải quyết các điểm nghẽn và thúc đẩy quá trình hợp tác chuyển giao khoa học công nghệ; trong đó, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy về "giá trị đem lại cho Nhà nước”; xây dựng "Sàn giao dịch khoa học công nghệ"; tăng cường đầu tư cho truyền thông đến nhà khoa học, doanh nghiệp và người tiêu dùng đối với các sản phẩm khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng thêm ngân sách đầu tư cho các đề tài nghiên cứu; mở rộng đầu tư không chỉ các đề tài nghiên cứu mà còn ứng dụng triển khai và phát triển sản phẩm khoa học công nghệ trong thực tiễn./.
- Từ khóa:
- thương mại hóa
- nghiên cứu
- khoa học