Khoa học

Nâng cao nhận thức đạo đức trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Công nghệ trí tuệ nhân tạo thế hệ mới tuy mang lại nhiều lợi ích như nâng cao hiệu quả làm việc, hỗ trợ ra quyết định và tăng cường khả năng sáng tạo, nhưng đồng thời cũng đặt ra những rủi ro đáng lo ngại. Các rủi ro này bao gồm khả năng làm sai lệch thông tin, xâm phạm quyền riêng tư, gây mất công bằng trong xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến các giá trị đạo đức truyền thống

Quang cảnh toạ đàm “Bàn về phương pháp khảo sát nhận thức đối với rủi ro đạo đức và thái độ đối với ứng dụng trí tuệ nhân tạo”.
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Ngày 4/4, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Bàn về phương pháp khảo sát nhận thức đối với rủi ro đạo đức và thái độ đối với ứng dụng trí tuệ nhân tạo” với sự tham gia của các nhà nghiên cứu trẻ, chuyên gia công nghệ và đại diện các cơ quan hoạch định chính sách trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới.

Tại Tọa đàm, Tiến sỹ Hồ Mạnh Tùng, Viện Triết học trình bày báo cáo khoa học phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức về rủi ro đạo đức và mức độ chấp nhận của người sử dụng đối với trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra nội dung mới từ dữ liệu đầu vào. Đây là một trong những công nghệ đang được áp dụng ngày càng phổ biến trong các lĩnh vực như giáo dục, sáng tạo nội dung, thương mại, truyền thông và giải trí.

Báo cáo cho thấy, công nghệ trí tuệ nhân tạo thế hệ mới tuy mang lại nhiều lợi ích như nâng cao hiệu quả làm việc, hỗ trợ ra quyết định và tăng cường khả năng sáng tạo, nhưng đồng thời cũng đặt ra những rủi ro đáng lo ngại. Các rủi ro này bao gồm khả năng làm sai lệch thông tin, xâm phạm quyền riêng tư, gây mất công bằng trong xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến các giá trị đạo đức truyền thống.

Để nghiên cứu mức độ chấp nhận của người sử dụng đối với công nghệ này, Tiến sỹ Hồ Mạnh Tùng đề xuất cách tiếp cận tổng hợp, kết hợp giữa mô hình phân tích hành vi của người dùng và lý thuyết về nền tảng đạo đức. Theo đó, hai yếu tố then chốt ảnh hưởng đến thái độ của người sử dụng gồm: nhận thức về lợi ích và tính tiện dụng của công nghệ; cùng với đó là mức độ lo ngại về những tác động tiêu cực đến đạo đức và xã hội. Cụ thể, người sử dụng có xu hướng chấp nhận trí tuệ nhân tạo nhiều hơn khi họ nhận thấy các lợi ích rõ rệt và dễ dàng sử dụng. Ngược lại, khi cảm thấy công nghệ có thể gây tổn hại đến các chuẩn mực xã hội hoặc tạo ra hậu quả khó kiểm soát, họ sẽ tỏ ra dè dặt và ít sẵn sàng tiếp cận.

Các ý kiến tại Tọa đàm đề xuất mở rộng nghiên cứu về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đến tâm lý người dùng, nhất là trong môi trường giáo dục, mạng xã hội và nơi làm việc. Một số đại biểu cho rằng cần đưa các yếu tố văn hóa, địa phương và vùng miền vào trong các khảo sát nhằm phản ánh đúng sự đa dạng trong nhận thức và hành vi tiếp cận công nghệ tại Việt Nam.

Đại diện Ban Thường vụ Đoàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thời gian tới, Đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các diễn đàn học thuật theo hình thức linh hoạt, tạo điều kiện để đoàn viên trẻ phát huy năng lực nghiên cứu. Đồng thời, các chương trình sẽ hướng tới việc nâng cao nhận thức đạo đức trong tiếp cận công nghệ, từ đó góp phần xây dựng một thế hệ nhà khoa học trẻ có trách nhiệm với cộng đồng.

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng các khung pháp lý cho việc ứng dụng và quản lý trí tuệ nhân tạo, những đóng góp từ giới nghiên cứu, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, sẽ là nguồn thông tin giá trị giúp các cơ quan chức năng hoàn thiện chính sách phù hợp. Việc hiểu đúng và đầy đủ về mức độ chấp nhận công nghệ cũng như những lo ngại đạo đức từ phía người sử dụng, như nghiên cứu của Tiến sỹ Hồ Mạnh Tùng, được đánh giá là nền tảng quan trọng để xây dựng một xã hội số nhân văn, công bằng và phát triển bền vững./.

Lý Thị Thanh Hương

Xem thêm