Khoa học

Tinh gọn bộ máy: Đáng trân trọng tinh thần tự nguyện lùi lại vì nhiệm vụ chung

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Ts Phan Chí Hiếu đánh giá cao nhiều cán bộ đã tự nguyện xin thôi giữ chức vụ, vui vẻ lùi lại phía sau để tạo điều kiện cho việc bố trí nhân sự theo mô hình tổ chức mới.


Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Ngày 3/4, tại Hà Nội, phát biểu tại Hội nghị Giao ban công bố các quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Ts Phan Chí Hiếu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh lợi ích cá nhân vì nhiệm vụ chung của các thủ trưởng đơn vị. Nhiều cán bộ đã tự nguyện xin thôi giữ chức vụ, vui vẻ lùi lại phía sau để tạo điều kiện cho việc bố trí nhân sự theo mô hình tổ chức mới.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu khẳng định, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là chủ trương lớn, mang tính cách mạng của Đảng, đang được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương. Viện đã triển khai thực hiện nghiêm túc, dù thời gian gấp rút nhưng quá trình sắp xếp được tiến hành một cách cẩn trọng, khoa học, công khai, dân chủ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18 của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ và Ban Thường vụ Đảng ủy Viện.

Việc tinh gọn bộ máy không chỉ nhằm giảm đầu mối, tiết kiệm chi phí mà còn là bước đi quan trọng trong việc tái cấu trúc tổ chức, tăng cường năng lực hoạt động, khắc phục chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời phát huy thế mạnh nghiên cứu liên ngành, đa ngành của Viện.

Tuy nhiên, việc sắp xếp có thể ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, quyền lợi của viên chức, người lao động, cũng như ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các đơn vị trong giai đoạn chuyển tiếp. Do đó, các đơn vị cần nhanh chóng ổn định tổ chức, làm tốt công tác tư tưởng, đảm bảo chế độ chính sách và duy trì nhiệm vụ chuyên môn không bị gián đoạn.

Về việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, theo Nghị định số 32/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cơ cấu tổ chức của Viện được điều chỉnh từ 38 đơn vị xuống còn 26 đơn vị. Trong đó, 23 đơn vị được hợp nhất thành 11 đơn vị mới, 15 đơn vị giữ nguyên. Cụ thể 11 đơn vị mới sau hợp nhất gồm: Ban Tài chính và Quản lý khoa học; Viện Nghiên cứu Con người, Gia đình và Giới; Viện Xã hội học và Tâm lý học; Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới; Viện Dân tộc học và Tôn giáo học; Viện Nghiên cứu Châu Âu và Châu Mỹ; Viện Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương; Viện Địa lý nhân văn và Phát triển bền vững; Nhà xuất bản và Tạp chí Khoa học xã hội; Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Tây Nguyên; Văn phòng Viện Hàn lâm.

Toàn cảnh Hội nghị Giao ban quý I năm 2025 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

15 đơn vị giữ nguyên gồm: Ban Tổ chức - Cán bộ; Ban Hợp tác quốc tế; Viện Nhà nước và Pháp luật; Viện Triết học; Viện Nghiên cứu Văn hóa; Viện Sử học; Viện Văn học; Viện Ngôn ngữ học; Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi; Viện Thông tin Khoa học xã hội; Viện Nghiên cứu Hán – Nôm; Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Học viện Khoa học xã hội; Trung tâm Công nghệ Thông tin.

Lãnh đạo Viện đề nghị các đơn vị hợp nhất khẩn trương kiện toàn tổ chức, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, hoàn thiện quy chế hoạt động, chủ động phối hợp để bảo đảm hoạt động thông suốt. Các cấp ủy, tổ chức đoàn thể nhanh chóng kiện toàn theo mô hình mới sau khi được phê duyệt.

Trong đợt sắp xếp này, một số cán bộ xin thôi giữ chức quản lý và nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ; gồm các đồng chí: Nguyễn Đức Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học; Hoàng Xuân Sáng - Phó chánh Văn phòng Viện; Nguyễn Thị Phương Hoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người; Đỗ Hữu Phương - Phó Chánh Văn phòng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Nguyễn Xuân Khoát - Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin; Trần Minh Hồng - Phó Viện trưởng Viện dân tộc học; Trần Thị Thu Hà - Phó Viện trưởng Viện Tôn giáo; Lê Thị Hải Nam - Chánh Văn phòng Đảng ủy.

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tư vấn chính sách và đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học xã hội./.

Lý Thị Thanh Hương

Tin liên quan

Xem thêm