Hội nghị GSETS 2025 có gần 300 đại biểu tham dự với hơn 170 bài báo cáo chất lượng cao, trong đó có 7 báo cáo ở phiên toàn thể và hơn 40 báo cáo trình bày tại các tiểu ban.
Mô hình phát triển dựa trên tài nguyên và nhân công giá rẻ đang dần bộc lộ những giới hạn nên cần tìm kiếm các động lực dựa trên khoa học - công nghệ để phát triển bền vững. Đây là nội dung được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh tại phiên khai mạc Hội nghị khoa học quốc tế “Các giải pháp xanh và công nghệ mới nổi cho sự phát triển bền vững” (GSETS 2025) sáng 10/4, do Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Công nghệ Thành phố tổ chức.
Trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi sâu sắc, các bên cần tìm kiếm động lực mới, mô hình phát triển dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và đặc biệt là công nghệ xanh. Hội nghị lần này chính là cầu nối thiết thực để các bên cùng trao đổi, chia sẻ và kết nối nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tạo nền tảng cho một nền kinh tế tuần hoàn, carbon thấp.
Ông Võ Văn Hoan cho rằng, chủ đề “Các giải pháp xanh và công nghệ mới nổi cho sự phát triển bền vững” không chỉ phù hợp với xu thế toàn cầu, mà còn bám sát tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là kim chỉ nam để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh, bền vững, độc lập và hội nhập sâu rộng, trong đó khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng then chốt.
Trong định hướng phát triển đô thị hiện đại và bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác lập một chiến lược rõ ràng, mạnh mẽ trong việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Một dấu mốc quan trọng là việc UBND Thành phố hợp tác với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Thành phố. Trung tâm được kỳ vọng là điểm kết nối giữa Việt Nam với mạng lưới chuyên gia, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế trong hệ sinh thái của WEF nhằm thúc đẩy nghiên cứu chính sách, chuyển giao công nghệ, phát triển các động lực tăng trưởng mới cho Thành phố cũng như cả nước.
Diễn ra ngày 10 - 11/4, Hội nghị GSETS 2025 có gần 300 đại biểu tham dự với hơn 170 bài báo cáo chất lượng cao, trong đó có 7 báo cáo ở phiên toàn thể và hơn 40 báo cáo trình bày tại các tiểu ban, tập trung vào các chủ đề chính: Vật liệu tiên tiến, công nghệ sản xuất xanh; giải pháp, công nghệ phát triển bền vững; khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo cho phát triển bền vững.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của 7 diễn giả chính và 26 diễn giả khách mời đến từ các tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới, hội nghị tập trung vào những lĩnh vực cốt lõi như năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện với môi trường, vật liệu tiên tiến và quản lý tài nguyên hiệu quả. Đây là cơ hội để các chuyên gia bàn luận, khám phá, kết nối nhằm tìm ra những mô hình công nghệ mới, đảm bảo sự phát triển kinh tế, bảo vệ hành tinh.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Trường Đại học Công nghệ cũng ra mắt tạp chí Materials and Emerging Technology for Sustainability - METS (Vật liệu và công nghệ mới nổi cho sự bền vững). Tạp chí quy tụ gần 20 thành viên là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới như: Australia, Hoa Kỳ, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Trung Quốc. Đây là diễn đàn khoa học, chia sẻ thành tựu nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của đội ngũ học giả, nhà khoa học của Việt Nam và thế giới./.
- Từ khóa:
- Hội nghị
- GSETS 2025
- Thành phố Hồ Chí Minh