Dự thảo “hướng dẫn kỹ thuật tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường trong khu công nghiệp hướng tới chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam” được xây dựng nhằm giúp chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm phát triển khu công nghiệp sinh thái và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đây là nội dung chính được đề cập tại cuộc họp tham vấn “Dự thảo hướng dẫn kỹ thuật tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường trong khu công nghiệp hướng tới chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam”, do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức vào sáng 15/11, tại Hà Nội.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, các khu công nghiệp đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nhưng cũng làm phát sinh những vấn đề môi trường đáng lo ngại. Đặc biệt, chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp với khối lượng ngày càng lớn, thành phần, tính chất phức tạp, tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, chuyển đổi mô hình khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp sinh thái là cấp thiết trong tình hình hiện nay.
Tiến sỹ Nguyễn Trung Thắng cho biết, thời gian qua, tại Việt Nam, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng chất thải trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó, “cộng sinh công nghiệp” được Chính phủ quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế cũng đề cập đến hoạt động tái sử dụng chất thải. Do đó, Dự thảo “hướng dẫn kỹ thuật tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường trong khu công nghiệp hướng tới chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam” được xây dựng nhằm giúp chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng hoặc tái sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra, góp phần tiết kiệm chi phí, giảm phát sinh chất thải và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Tổng quan thực trạng cộng sinh công nghiệp, tái sử dụng chất thải rắn trong khu công nghiệp, hướng tới mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, Tiến sỹ Hoàng Hồng Hạnh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, quản lý chất thải nói chung và tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường nói riêng trong khu công nghiệp đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý. Hiện nay, các khu công nghiệp tại Việt Nam đang thí điểm chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái gồm có: Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai), Khu công nghiệp Deep C, Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), Khu công nghiệp Hiệp Phước (Thành phố Hồ Chí Minh), Khu công nghiệp Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ), Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng). Hầu hết các khu công nghiệp đã tổ chức phân loại chất thải rắn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (3 loại). Chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng hoặc bán cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng. Chất thải rắn nguy hại được thu gom và hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý.
Nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khác cũng đã chủ động tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp với các loại hình chất thải như: Chất thải gỗ, nhựa, kim loại, bao bì, thực phẩm, vải vụn, chất thải làm vật liệu xây dựng... Tại Ninh Thuận, các nhà máy sản xuất bê tông tươi, bê tông nhựa nóng, cấu kiện bê tông đúc sẵn, sản xuất gạch tuynel tại các Khu công nghiệp Thành Hải, Phước Nam, Du Long đã tổ chức phân loại và chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường như: Gạch tuynel, bê tông nhựa nóng, cấu kiện bê tông đúc sẵn… hư hỏng cho các doanh nghiệp khác làm vật liệu san lấp. Tuy nhiên, việc hợp tác cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa hiệu quả một phần do không có đơn vị kết nối thông tin để các bên có thể xác định cơ hội hợp tác, tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải và yếu tố khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Để hướng tới mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, nhiều chuyên gia đề xuất một số giải pháp như: Các khu công nghiệp nên thu hút đầu tư có chọn lọc và cần có kế hoạch lựa chọn hình thức cộng sinh phù hợp với điều kiện thực tế; cần nhận thức và đánh giá được cơ hội, lợi thế cạnh tranh trên cơ sở nguồn. Đồng thời, xem xét quy định vai trò của doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp là đơn vị thực hiện các hoạt động kết nối cộng sinh công nghiệp nói chung và thúc đẩy tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường trong khu công nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành các chính sách nhằm tăng cường việc xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư tham gia các lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến công tác xử lý, tái chế chất thải rắn công nghiệp và sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Tại buổi tham vấn, các chuyên gia đến từ các viện, trường đại học đóng góp ý kiến như: Hoàn thiện các dự thảo hướng dẫn, đề xuất các chính sách quy định phù hợp với thực tế gồm khoảng cách an toàn môi trường; kế hoạch tái sử dụng chất thải rắn trong nội bộ doanh nghiệp (phân loại, lưu giữ chất thải, sơ chế chất thải, tái sử dụng chất thải); tái sử dụng chất thải rắn giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp…nhằm hướng tới chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam./.