Giáo dục

Tăng chất lượng giáo dục, y tế khu vực biên giới, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước

Khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam có vai trò chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội.

Quang cảnh Hội thảo “Thực trạng giáo dục, y tế khu vực biên giới đất liền Việt Nam”.
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Ngày 20/8, Viện Nghiên cứu Con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học: “Thực trạng giáo dục, y tế khu vực biên giới đất liền Việt Nam”. Sự kiện trong khuôn khổ Chương trình trọng điểm cấp Bộ nghiên cứu tổng thể vùng biên giới đất liền ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị trong điều kiện hiện nay. Hội thảo nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu, từ đó đề xuất giải pháp cải thiện và phát triển giáo dục, y tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của khu vực biên giới, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoa Mai, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam có vai trò chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, từ hiệu quả tích cực của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc, giáo dục-đào tạo, y tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, đoàn kết dân tộc… của Đảng và Nhà nước ta, nhiều mặt phát triển ở vùng biên giới đã có những biến đổi sâu sắc và to lớn trên nhiều mặt so với trước đây trong đó có công tác giáo dục và y tế. Do đó, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoa Mai đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục và y tế tại khu vực này không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững và an ninh quốc gia.

Đại biểu thảo luận tại Hội thảo “Thực trạng giáo dục, y tế khu vực biên giới đất liền Việt Nam”
Ảnh: Lý Thanh Hương-TTXVN

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hoàng Thị Ngọc Diễm, đến từ Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho rằng, số trường học đạt chuẩn quốc gia tại các tỉnh biên giới vẫn còn thấp và tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn đáng kể. Điều này đòi hỏi cần có những nghiên cứu sâu hơn để xác định rõ nguyên nhân và đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tại các khu vực này.

Cũng theo Tiến sỹ Dương Thị Thanh Hương từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, khu vực biên giới có những đặc thù riêng, vì vậy, cần phải thực hiện các nghiên cứu cụ thể, sát với thực tế để đảm bảo các chính sách đặc thù được thực hiện hiệu quả và không chồng chéo với các quy định hiện hành.

Ở lĩnh vực y tế, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tiến Nam, Trường Đại học Y tế Cộng đồng đã đưa ra cái nhìn tổng quan về những rào cản trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới. Theo đó, mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể sau gần 40 năm Đổi mới nhưng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế do điều kiện kinh tế eo hẹp, địa hình hiểm trở, cơ sở hạ tầng và nhân lực y tế hạn chế; cùng với đó là  những rào cản về nhận thức và chính sách. Để khắc phục những vấn đề này, Tiến sỹ Phạm Tiến Nam cho rằng, cần có các biện pháp toàn diện từ phía Chính phủ và chính quyền địa phương nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực biên giới.

Hội thảo cũng thu hút nhiều ý kiến thảo luận từ các đại biểu, tập trung vào việc tìm ra giải pháp thiết thực nhằm phát triển giáo dục và y tế tại khu vực biên giới; từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, hướng tới một tương lai phát triển bền vững cho Việt Nam./.

Lý Thị Thanh Hương

Xem thêm