Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định tăng thêm số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; tăng mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
TTXVN - Ngày 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (thay thế 4 nghị định của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan, gồm: Nghị định số 114/2003/NĐ-CP, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP). Nghị định có nhiều điểm mới, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, được ví như cơn mưa rào “giải nhiệt” cho “cơn khát” cán bộ, công chức cấp xã đã gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương thời gian qua; đồng thời, bảo đảm tốt hơn đời sống của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
“Giải nhiệt” cho “cơn khát” cán bộ, công chức cấp xã
Điểm đáng chú ý của Nghị định là tăng thêm số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; tăng mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Theo đó, về số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, trên cơ sở khoán tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã và khoán tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định hiện, Nghị định bổ sung quy định tăng thêm (không khống chế tối đa) số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15).
Cụ thể, theo quy mô dân số, đối với phường thuộc quận, cứ tăng thêm đủ 1/3 mức quy định thì được tăng thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách; đối với các đơn vị hành chính còn lại, cứ tăng thêm đủ 1/2 mức quy định thì được tăng thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách.
Theo diện tích tự nhiên, ngoài việc tăng thêm công chức và người hoạt động không chuyên trách theo quy mô dân số nêu trên, mỗi đơn vị hành chính cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định thì được tăng thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách.
Trên cơ sở tổng số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo loại đơn vị hành chính cấp xã và số lượng được tăng thêm theo quy mô dân số và diện tích tự nhiên nêu trên (tính theo từng cấp tỉnh), Nghị định quy định việc thực hiện khoán cho từng địa phương và phân cấp cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định cụ thể số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của từng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhưng phải bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tính cho cả cấp tỉnh theo quy định này. Căn cứ tổng số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được HĐND cấp tỉnh giao, UBND cấp huyện quyết định số lượng và bố trí cụ thể cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở từng đơn vị hành chính cấp xã cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, nhưng phải bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do HĐND cấp tỉnh giao cho cấp huyện.
Về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, do thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là một cấp chính quyền, vì thế, Nghị định tiếp tục quy định 03 chức danh người hoạt động không chuyên trách (gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận) và những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố. Kết luận số 64-KL/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI quy định mỗi thôn, tổ dân phố có không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, Nghị định phân cấp cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể chức danh, số lượng người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Nghị định này không quy định chức danh công chức Trưởng Công an xã (do đã bố trí Công an chính quy ở cấp xã).
Cán bộ, công chức cấp xã phải đạt chuẩn đại học
Bộ Nội vụ cho biết, để từng bước liên thông và thống nhất một nền hành chính công vụ, Nghị định quy định theo hướng dẫn chiếu thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, bầu cử, tuyển dụng, bãi nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, nghỉ hưu, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá, xếp loại, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý và chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã như cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên.
Đối với vị trí việc làm cán bộ, công chức cấp xã có đặc thù khác với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên thì quy định rõ tiêu chuẩn (khung năng lực từ đại học trở lên, trừ trường hợp luật hoặc điều lệ của tổ chức có quy định khác) và nhiệm vụ (bản mô tả công việc) của từng chức vụ, chức danh (vị trí việc làm) cán bộ, công chức cấp xã. Trường hợp đang là cán bộ, công chức cấp xã mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì quy định ở điều khoản chuyển tiếp theo hướng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định. Hết thời hạn này mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định thì thực hiện chế độ nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.
Việc tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh công chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật về dân quân tự vệ.
Tăng phụ cấp lên 1,5 lần
Do chưa sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, do đó không có đủ căn cứ pháp lý để quy định công chức cấp xã có chức danh Văn phòng Đảng ủy và một số chức danh thuộc cấp ủy cấp xã (hiện nay các địa phương đang bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đảm nhiệm) nên Nghị định bổ sung quy định về phụ cấp kiêm nhiệm theo hướng: Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định đối với chức danh kiêm nhiệm. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố cũng được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định đối với chức danh kiêm nhiệm. Đồng thời, giao UBND cấp huyện quyết định chức danh được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm trong trường hợp số lượng chức danh bố trí kiêm nhiệm lớn hơn số lượng cán bộ, công chức giảm được so với số được giao theo quy định tại Nghị định này.
Nghị định quy định tăng mức khoán quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở mỗi đơn vị hành chính cấp xã loại I - II - III tương ứng từ 16,0 - 13,7 - 11,4 lần mức lương cơ sở lên 21 - 18 - 15 lần mức lương cơ sở (tăng trung bình từ 1,14 lần mức lương cơ sở/1 người lên mức 1,5 lần mức lương cơ sở/1 người). Ngoài mức khoán quỹ phụ cấp này, đối với những đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn quy định được tăng thêm người hoạt động không chuyên trách thì cứ tăng 1 người hoạt động không chuyên trách so với quy định được tăng quỹ phụ cấp khoán 1,5 lần mức lương cơ sở/1 người tăng thêm.
Tăng mức khoán quỹ phụ cấp từ 3,0 - 5,0 lần mức lương cơ sở đối với mỗi loại thôn, tổ dân phố hiện nay lên mức 4,5 - 6,0 lần mức lương cơ sở (trong đó, mức khoán 6,0 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã biên giới, hải đảo; mức khoán 4,5 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với các thôn, tổ dân phố còn lại). Đối với đơn vị hành chính cấp huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã thì thôn, tổ dân phố được xác định theo đơn vị hành chính cấp huyện đó.
Trên cơ sở tổng mức khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và nguồn kinh phí ngân sách dành cho cải cách tiền lương theo quy định ở địa phương, Nghị định quy định UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và mức chi hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố, bảo đảm phù hợp với yêu cầu quản lý của từng đơn vị hành chính cấp xã và tương quan hợp lý với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ đào tạo nhằm khuyến khích người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố học tập, nâng cao trình độ đào tạo chuyên môn (ngân sách Trung ương không hỗ trợ). Trường hợp trong thời kỳ ổn định ngân sách mà có sáp nhập thôn, tổ dân phố thì không điều chỉnh giảm mức khoán quỹ phụ cấp.
Nghị định quy định việc UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quy định cụ thể mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố thì không phải xin ý kiến các Bộ, cơ quan trung ương.
Để bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương và đẩy mạnh việc phân cấp, Nghị định quy định giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng đối với từng chức vụ, chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cho phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.
Theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được quy định theo loại đơn vị hành chính cấp xã và chênh lệch nhau không nhiều (loại I: 23 người, loại II: 21 người, loại III: 19 người), đã phát sinh bất hợp lý so với yêu cầu của thực tiễn, đặc biệt là yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 và giai đoạn 2023-2030 (địa bàn cấp xã sau sáp nhập rộng, dân số tăng, đặc biệt là ở các đô thị dân số cơ học tăng nhanh dẫn đến khối lượng công việc ở nhiều đơn vị hành chính cấp xã tăng lên, tạo áp lực lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã).
Nghị định này quy định về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã chưa phù hợp với thực tiễn; đồng thời mức khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là thấp so với mặt bằng chung thu nhập của người lao động trên địa bàn và thấp hơn nhiều so với cán bộ cấp xã là Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội (cán bộ chuyên trách). Nhiều ý kiến cho rằng các đối tượng này cùng được hình thành theo chế độ bầu cử, làm việc theo nhiệm kỳ, nhưng cán bộ được hưởng lương hàng tháng, còn người hoạt động không chuyên trách chỉ được hưởng phụ cấp là chưa khuyến khích, động viên được sự tham gia tích cực, yên tâm công tác của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Thời gian qua, tại nhiều địa phương, nhất là là ở những thành phố lớn có đông dân như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã bị giảm đi trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều, “đổ dồn” lên số cán bộ, công chức, viên chức hiện hữu, nhiều nơi rơi vào quá tải. Cùng với đó, chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, cơ hội thăng tiến còn bất cập khiến không ít người lao động xin nghỉ việc./.