Thời tiết

Tăng cường quản lý đê điều, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ bão năm 2023

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 6/2023, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở khu vực biển Đông và có khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh, di chuyển phức tạp.

(Ảnh minh hoạ. Nguồn TTXVN)

TTXVN - Ngày 1/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị số 1148/CT-BNN-DĐ gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đê về việc tăng cường quản lý đê điều, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 6/2023, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở khu vực biển Đông và có khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh, di chuyển phức tạp. Tổng lượng mưa ở hầu hết các khu vực được dự báo tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.

Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1//6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; để chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống lụt bão năm 2023, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với những vùng được đê bảo vệ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đê, tập trung chỉ đạo thực hiện việc hoàn thành công tác tu bổ, duy tu, bảo dưỡng đê điều và công trình đang thi công liên quan đến đê điều, trong đó đối với những sự cố đê điều đã xảy ra trong các mùa lũ, bão trước cần đặc biệt quan tâm xử lý và tập trung nguồn lực để hoàn thành việc xử lý; đồng thời, lập phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa lũ, bão năm 2023.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có đê chỉ đạo việc huy động nguồn lực của địa phương để chủ động xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ, bão và tu bổ các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố xảy ra khi có lũ, bão. Các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều đảm bảo chất lượng, kịp thời đưa công trình vào chống lũ, bão năm 2023.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan chỉ đạo các nhà thầu tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình liên quan đến đê điều xong trước mùa lũ, bão và có phương án bảo đảm an toàn cho công trình khi có lũ, bão.

(Ảnh minh hoạ. Nguồn TTXVN)

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc đảm bảo an toàn các cống dưới đê trong lũ, bão, trong đó đối với những cống dưới đê đã xảy ra sự cố những năm trước, cống mới xây dựng nhưng chưa được vận hành trong điều kiện có lũ cao hoặc cống đang thi công, phải xây dựng phương án bảo vệ cụ thể để chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra. Cùng với đó, cần đặc biệt quan tâm đến các cống đã xảy ra sự cố như: cống Cẩm Đình, cống Liên Mạc (thành phố Hà Nội); cống Tắc Giang (tỉnh Hà Nam); cống Long Phương (tỉnh Bắc Ninh); cống Đa Mai (tỉnh Bắc Giang); cống Liên Nghĩa (tỉnh Hưng Yên); cống Ngọc Quang (tỉnh Thanh Hoá) ...

Các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các cống dưới đê, phát hiện các cống yếu, cống bị hư hỏng để sửa chữa, hoành triệt tạm thời hoặc hoành triệt vĩnh viễn các cống không đảm bảo an toàn; đối với các cống xung yếu phải có phương án bảo vệ do cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao cụ thể trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân chủ động chuẩn bị các điều kiện và tổ chức thực hiện; lập phương án cấp nước (hoặc tiêu) hỗ trợ để hạn chế ảnh hưởng do việc hoành triệt cống. Việc sử dụng cống dưới đê trong mùa lũ phải chấp hành nghiêm quy trình đóng, mở. Đối với những cống chưa có quy trình vận hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương chỉ đạo xây dựng, phê duyệt trước mùa lũ, bão để tổ chức thực hiện ngay trong năm 2023.

Đối với cống do các Công ty, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi hoặc Chi cục Thủy lợi quản lý, đơn vị quản lý phải có quy chế, phân công trách nhiệm cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị và địa phương trong việc thực hiện phương án bảo vệ, xử lý các sự cố.

Đối với những cống dưới đê khác, giao cho UBND cấp huyện chỉ định ngay tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, vận hành.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND cấp huyện tổng kiểm tra đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn đê; xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án hộ đê đối với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm theo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê theo phương án và kế hoạch được duyệt.

(Ảnh minh hoạ. Nguồn TTXVN)

UBND các cấp, các Sở, ban, ngành của tỉnh, thành phố theo chức năng, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, đặc biệt là các vị trí trọng điểm xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, ứng phó trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế.

Căn cứ phương án hộ đê năm 2023, lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến. Ngoài vật tư dự trữ của Nhà nước hiện có trên địa bàn, cần có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân để trong trường hợp có sự cố xảy ra (kể cả vật tư, thiết bị của các doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn).

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức diễn tập phương án hộ đê, kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin hai chiều để bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, tồn tại; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê, đặc biệt là lực lượng quân đội đóng trên địa bàn.

UBND các huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quán triệt, hướng dẫn, kiểm tra các xã, phường ven đê tổ chức lực lượng và thực hiện công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố xảy ra; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và tổng hợp, báo cáo thường xuyên, kịp thời khi xảy ra sự cố đê điều về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai); tổ chức phát quang mái đê, chân đê, trong phạm vi bảo vệ đê điều để phục vụ công tác tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý sự cố trong mùa mưa lũ.

Lãnh đạo các địa phương chỉ đạo tăng cường kiểm tra các tuyến đê, kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; kiểm tra việc chấp hành quyết định cấp phép đối với chủ đầu tư các công trình liên quan đến đê điều theo quy định của Luật Đê điều; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; nhất là tình trạng vi phạm tập kết vật liệu quy mô lớn, xây dựng công trình trái phép trên bãi sông, đổ phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông gây cản trở thoát lũ,...

Các địa phương khẩn trương hoàn thành việc lập nội dung phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch tỉnh, thành phố, đảm bảo tuân thủ các quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều của hệ thống sông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 5858/BNN- PCTT ngày 16/9/2021; xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ trước ngày 15/5/2023.

Các tỉnh, thành phố báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp giải quyết hoặc xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên./.


Thắng Trung

Xem thêm