Nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ nhằm giảm tình trạng người xuất cảnh trái phép qua biên giới làm việc bất hợp pháp và ổn định an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.
TTXVN - Ngày 3/4 , Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã có chỉ đạo về việc tăng cường quản lý lao động qua biên giới trên địa bàn.
Theo đánh giá, thời gian qua, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã quan tâm, đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý lao động qua biên giới, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân, người lao động trên địa bàn. Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nhằm giảm tình trạng người xuất cảnh trái phép qua biên giới làm việc bất hợp pháp và ổn định an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc quản lý lao động qua biên giới ở một số địa bàn vẫn còn hạn chế, bất cập như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa sát sao; quản lý cư trú, việc làm chưa thường xuyên, liên tục, có nơi còn buông lỏng quản lý; việc nắm bắt nhu cầu, hỗ trợ việc làm cho người dân chưa kịp thời; vẫn còn xảy ra tình trạng người dân xuất cảnh trái phép, đi làm việc bất hợp pháp.
Để nâng cao nhận thức của người dân, hạn chế thấp nhất tình trạng người xuất cảnh trái phép qua biên giới làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên yêu cầu, thời gian tới, Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan khẩn trương có hình thức trao đổi với chính quyền thành phố Sùng Tả (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) để tổ chức hội đàm nhằm tổng kết thực hiện Thỏa thuận hợp tác quản lý lao động qua biên giới và đề xuất giải pháp thực hiện Thỏa thuận trong thời gian tiếp theo.
Các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nắm bắt tình hình người dân đang làm việc tại Trung Quốc để kịp thời thực hiện công tác ngoại giao, bảo hộ công dân theo quy định. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; triển khai các hoạt động trực tiếp hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, tạo việc làm, thu nhập ổn định, hạn chế thấp nhất tình trạng người lao động đi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.
Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan khẩn trương kết nối, tổ chức hội đàm với thành phố Sùng Tả (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) về hợp tác quản lý lao động qua biên giới phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý lao động qua biên giới, triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác quản lý lao động qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc theo quy định; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin để phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, người lao động thực hiện các quy định về xuất, nhập cảnh; triển khai thực hiện quy định chỉ xuất cảnh đi làm việc qua cửa khẩu quốc tế, người dân xuất cảnh đi làm việc qua biên giới phải có danh sách được công an cấp xã xác nhận; tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực cửa khẩu, các đường mòn, lối mở nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp xuất cảnh trái phép.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về xuất, nhập cảnh, thỏa thuận hợp tác, cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc trên địa bàn; thường xuyên cập nhật tình hình triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác qua biên giới để phục vụ công tác tuyên truyền, quản lý phù hợp với tình hình thực tế.
Các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tuyển dụng lao động trên địa bàn, quản lý lao động địa phương để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm; chỉ định đầu mối tiếp nhận thông tin, phản ánh của các đối tượng về các vấn đề phát sinh liên quan đến lao động qua biên giới và thông báo rộng rãi trong nhân dân. Đồng thời tăng cường nắm bắt thông tin, nhu cầu việc làm của người lao động, tổ chức các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người lao động đi làm việc hợp pháp, tạo việc làm; chủ động nắm bắt tình hình của người lao động trên địa bàn quản lý đang làm việc tại Trung Quốc để phối hợp với các ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ, bảo hộ công dân theo quy định./.