Tại Nhật Bản hiện nay, có khoảng 600.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động, trong đó tập trung nhiều người trẻ. Do đó, việc tăng cường công tác truyền thông pháp luật và hỗ trợ pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nhật Bản, ngày 21/5, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đoàn công tác của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp do bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đại sứ và các cán bộ ngoại giao, cùng chủ tịch các Hội đoàn người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Buổi làm việc tập trung đánh giá tình hình thực hiện công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Đây là một nhiệm vụ không chỉ mang tính pháp lý mà còn có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc trong việc giữ gìn bản sắc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Tại Nhật Bản hiện nay, có khoảng 600.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động, trong đó tập trung nhiều người trẻ. Từ thực tiễn triển khai, các hiệp hội đã chỉ rõ những thách thức đang đặt ra: những khoảng cách từ ngôn ngữ, văn hóa nước sở tại; hạn chế trong tiếp cận thông tin pháp luật chính thống; và tâm lý e ngại không biết các cơ quan nào sẽ giải quyết khi xử lý các vấn đề liên quan đến pháp luật.
Những rào cản này, nếu không được khắc phục kịp thời, có thể dẫn đến tình trạng người lao động xa quê bị tổn thương về mặt pháp lý, thậm chí rơi vào thế dễ bị các tổ chức tội phạm lợi dụng.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đã kiến nghị một số giải pháp thiết thực, bao gồm: Tăng cường các chương trình truyền thông pháp luật bằng tiếng Việt sử dụng công nghệ số; Thiết lập các kênh thông tin tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí hoặc chi phí thấp cho kiều bào; Hỗ trợ các tài liệu truyền thông pháp luật hoặc chia sẻ các thông tin trên cổng/trang fanpage để hỗ trợ người dân Việt Nam tại Nhật Bản tiếp cận thông tin pháp luật một cách dễ dàng và kịp thời; Hỗ trợ nguồn lực trong triển khai các chương trình, đề án, trong đó có đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, và Nhật Bản nói riêng...
Các đại biểu cũng đề nghị tăng cường sự phối hợp giữa các hội đoàn, Đại sứ quán và các cơ quan chức năng trong nước trong xử lý vụ việc và phổ biến kiến thức pháp luật cho người lao động Việt Nam trước khi sang lao động tại Nhật; nghiên cứu đưa các chuyên đề pháp luật của nước sở tại vào các trung tâm xuất khẩu lao động, các trường dạy nghề, trung tâm dạy tiếng của nước sở tại…
Buổi làm việc thể hiện tinh thần đồng hành mạnh mẽ giữa Nhà nước và cộng đồng kiều bào trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện để các hội thể hiện vai trò cầu nối pháp lý giữa người Việt Nam xa quê, đóng góp phần lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật và ý thức công dân trong cộng đồng kiều bào.
Ông Phạm Quang Hiệu, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đã cho biết những đóng góp của Đại sứ quán trong việc hỗ trợ người Việt Nam tại Nhật Bản. Ông cũng chỉ ra những vấn đề cần tăng cường, cần sự tác động của các ban ngành, Bộ Tư pháp hỗ trợ để người Việt Nam tại Nhật Bản thực hiện tốt không chỉ pháp luật Việt Nam mà cả pháp luật nước sở tại nơi họ đang sinh sống, học tập và làm việc, trong đó quan tâm tới các vấn đề như:
Thứ nhất, Hội đồng Phổ biến Giáo dục Pháp luật Trung ương có sự tham gia của các thành viên các bộ, ngành trong thời gian tới cần có các hướng dẫn, chỉ đạo cũng như có định hướng trong việc nâng cao khả năng tiếp cận với pháp luật cho người Việt Nam tại Nhật Bản.
Thứ hai, việc phổ biến giáo dục pháp luật cần được thực hiện cho người dân ngay từ thời gian chuẩn bị sang Nhật Bản lao động, học tập. Các chương trình này cần bài bản, thống nhất và đưa vào chương trình đào tạo, dạy nghề tại các trung tâm xuất khẩu lao động, dạy tiếng Nhật để người dân nắm được những quy định pháp luật cơ bản của nước sở tại, chẳng có trường hợp vi phạm pháp luật của nước ta do thiếu hiểu biết pháp luật.
Thứ ba, cần có các chương trình, đề án riêng về phổ biến, giáo dục pháp luật cho người Việt Nam tại nước ngoài nhằm tăng cường nguồn lực, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đảm bảo thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật Việt Nam ở nước ngoài hiệu quả.
Thứ tư, cần tăng cường vai trò của các hội đoàn người Việt tại Nhật Bản trong công tác phổ biến pháp luật. Các hội đoàn có thể trở thành cầu nối quan trọng, tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, phát tờ rơi, hoặc thậm chí là tư vấn trực tiếp cho cộng đồng về các vấn đề pháp lý thường gặp. Việc hỗ trợ các hội đoàn về tài chính, tài liệu, và tập huấn chuyên môn sẽ giúp họ thực hiện tốt hơn vai trò này.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác đã có cuộc trao đổi chuyên sâu với đại diện Bộ Tư pháp Nhật Bản do ông TANAKA Masato, chuyên viên pháp luật, Ban Tư pháp và pháp chế, Phòng Tư pháp và pháp chế, Văn phòng Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiếp đoàn. Buổi làm việc được chia thành hai phiên với nội dung trao đổi tập trung vào các lĩnh vực: thông tin truyền thông pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế. Cùng với đó là tìm hiểu về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp thông tin pháp luật cho người dân.
Tại phiên làm việc thứ nhất, đại diện Bộ Tư pháp Nhật Bản, ông TANAKA Masato, đã trình bày chi tiết về cách thức mà Bộ Tư pháp Nhật Bản triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chúng, đặc biệt là đối tượng người nước ngoài. Ông nhấn mạnh vào việc sử dụng các kênh truyền thông đa dạng như trang web chính thức, các ấn phẩm in ấn, và mạng xã hội để cung cấp thông tin pháp luật một cách dễ hiểu và kịp thời.
Ông TANAKA Masato cũng chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng và duy trì các hệ thống trợ giúp pháp lý cho người dân gặp khó khăn, bao gồm cả những người nước ngoài không có đủ khả năng tài chính để thuê luật sư. Các chương trình này không chỉ cung cấp tư vấn pháp luật mà còn hỗ trợ đại diện pháp lý trong một số trường hợp nhất định.
Ông TANAKA Masato cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin pháp luật cho người dân. Ông giới thiệu về các sáng kiến của Bộ Tư pháp Nhật Bản trong việc phát triển các cổng thông tin pháp luật trực tuyến, ứng dụng di động cung cấp các văn bản pháp luật, hướng dẫn thủ tục hành chính, và dịch vụ tư vấn ảo. Việc này giúp công chúng, bao gồm cả người nước ngoài, dễ dàng tìm kiếm và hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan đến cuộc sống và công việc của họ.
Phiên làm việc này đã mang lại nhiều thông tin giá trị về kinh nghiệm và phương pháp tiếp cận của Nhật Bản trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, đặc biệt là trong việc tận dụng hiệu quả công nghệ số.
Phiên thứ hai, Đại diện Bộ Tư pháp Nhật Bản, ông Yamamoto Junichi, chia sẻ về các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai rộng rãi trong cộng đồng, đặc biệt là thông qua các chương trình giáo dục pháp luật trong trường học và các hoạt động cộng đồng. Nhật Bản chú trọng việc cung cấp thông tin pháp luật một cách dễ hiểu và tiếp cận được với mọi tầng lớp nhân dân. Các chương trình giáo dục pháp luật được triển khai từ cấp học đường đến cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Việc triển khai các chương trình này với mục đích người dân không chỉ biết được pháp luật mà còn hiểu được vai trò, ý nghĩa của pháp luật đối với cuộc sống và xã hội. Ông cũng nhấn mạnh việc khuyến khích sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, tạo ra một xã hội mà mỗi cá nhân đều có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật vì lợi ích chung.
Các chương trình này được công khai triển khai rộng rãi kèm theo các bài giảng mẫu điện tử. Các chuyên gia của Bộ Tư pháp trực tiếp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trong một số thời gian nhất định cho các trường học.
Những chương trình này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho thế hệ trẻ mà còn tạo ra một nền tảng vững chắc cho việc tuân thủ pháp luật trong tương lai. Ngoài ra, Bộ Tư pháp Nhật Bản cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm cộng đồng, mời các chuyên gia pháp luật để giải đáp thắc mắc và cung cấp thông tin pháp luật cập nhật cho người dân.
Đại diện Bộ Tư pháp Nhật Bản cũng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống pháp luật số hóa toàn diện với các ứng dụng pháp luật, cơ sở dữ liệu mở, công cụ tìm kiếm thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), và đặc biệt là việc thử nghiệm các nền tảng AI trong hỗ trợ pháp lý cho người dân. Các tiêu chí kỹ thuật để phát triển phần mềm pháp luật thân thiện, bảo đảm tính dễ tiếp cận, dễ hiểu và an toàn thông tin được nhấn mạnh, cùng với việc vận hành hiệu quả các trung tâm thông tin pháp luật trực tuyến phục vụ cả người dân Nhật Bản và người nước ngoài đang cư trú.
Buổi làm việc chuyên sâu với đại diện Bộ Tư pháp Nhật Bản đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho đoàn công tác Việt Nam, đặc biệt là về việc xây dựng và vận hành một hệ thống trợ giúp pháp lý toàn diện, hiệu quả, và nhân văn, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác này.