Với những tiềm năng, lợi thế, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch trọng điểm có tiềm năng.
Sau khi hợp nhất với Bình Phước, tỉnh Đồng Nai có đặc điểm tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng cùng truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú. Nơi đây là cửa ngõ kết nối, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, hình thành nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và giàu tiềm năng.
*Khai thác lợi thế để hấp dẫn du khách
Tham quan, trải nghiệm tại trảng cỏ Bù Lạch tại xã Thọ Sơn, tỉnh Đồng Nai, chị Hoàng Thị Bích Thủy (tỉnh Tây Ninh) cho biết, trảng cỏ này rộng, kết hợp với hồ nước trong veo và những cánh rừng nguyên sinh bao quanh, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hoang sơ và thơ mộng. Trảng cỏ đẹp không thua kém gì với cánh đồng cỏ tuyết của Gia Lai. Tuy nhiên, nếu nơi này kết hợp thêm một số dịch vụ đi kèm thì sẽ thu hút đông đảo du khách đến tham quan, check–in hơn.
Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, tọa lạc tại xã Bom Bo, tỉnh Đồng Nai nổi tiếng với hình ảnh giã gạo nuôi quân của đồng bào dân tộc S’tiêng đã đi vào huyền thoại cùng bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, của cố nhạc sĩ Xuân Hồng, luôn thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan mỗi năm.
Anh Trần Minh Quân (tỉnh Cà Mau) chia sẻ, biết đến địa danh sóc Bom Bo từ rất lâu qua giai điệu “Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa, sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya, bồng con ra võng để đòng đưa, giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa…”. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên anh đến tham quan địa danh này. Tại khu bảo tồn, ngoài việc được tận mắt chứng kiến cảnh tái hiện hình ảnh giã gạo nuôi quân của đồng bào nơi đây, anh và mọi người trong đoàn du lịch còn ấn tượng khi được chứng kiến bộ cồng chiêng và đàn đá lớn nhất Việt Nam. "Nếu khu bảo tồn mở rộng các hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm đời sống, sinh hoạt văn hóa của đồng bào địa phương thì sẽ hấp dẫn hơn", anh Quân góp ý.
Trong lần tham quan Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo gần đây, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị lãnh đạo tỉnh, địa phương xây dựng và phát triển Khu Bảo tồn thành nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc, khai thác hiệu quả để thu hút khách du lịch, tạo sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Việt Phước Nguyễn Đức Hiếu nhận định, địa phương là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, có những nét văn hóa đặc sắc riêng, góp phần hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái... Do đó, tỉnh cần nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa gắn bảo tồn và phát huy đa dạng, phong phú các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hướng đến sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, homestay gắn với trải nghiệm cùng sinh hoạt với cộng đồng người M’nông và S’tiêng.
Ở góc độ chuyên gia, nhà khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới (Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, qua giá trị của hệ thống di tích lịch sử – văn hóa ở Bình Phước (cũ), Đồng Nai hiện nay, có thể hình dung quá trình hình thành, phát triển, đặc điểm lịch sử, văn hóa của địa phương trong không gian văn hóa lịch sử vùng Đông Nam Bộ vừa mang hình ảnh của toàn vùng, vừa có nét riêng của một tỉnh “tiền tiêu”. Nếu địa phương phát huy được nguồn lực di tích lịch sử – văn hóa sẽ là sự đóng góp quan trọng cho vùng Đông Nam Bộ.
*Hướng đến trung tâm nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa tầm khu vực
Theo mục tiêu phát triển của tỉnh Đồng Nai (cũ), đến năm 2050, ở lĩnh vực du lịch, Đồng Nai là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế. Trong khi đó, tỉnh Bình Phước (cũ) cũng xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và đặt ra những mục tiêu phát triển cụ thể theo từng giai đoạn. Với những tiềm năng, lợi thế, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch trọng điểm có tiềm năng. Đó là: Khu đô thị kết hợp nghỉ dưỡng hồ Suối Giai với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và chơi golf; khu du lịch trảng cỏ Bù Lạch với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, homestays cùng các trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng người M’nông và S’tiêng; khu Quần thể văn hóa – cứu sinh Bà Rá với các sản phẩm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe theo phương pháp Đông y, trải nghiệm hoạt động thể thao mạo hiểm, chơi golf; khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam với sản phẩm du lịch tham quan, tìm hiểu lịch sử, du lịch về nguồn, du lịch tâm linh; du lịch dã ngoại, tham quan động vật hoang dã tại Công viên safari Tà Thiết và các dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí.
Tỉnh quy hoạch và thu hút đầu tư khu đô thị, thương mại, khách sạn và du lịch tâm linh Bình Long với sản phẩm du lịch mua sắm, nghỉ dưỡng và tâm linh; khu đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng Chơn Thành với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và chơi golf; khu du lịch hồ Suối Lam với sản phẩm du lịch cuối tuần và du lịch ẩm thực.
Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2024, khu vực hồ Trị An của Đồng Nai nằm trong danh mục địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Đây là lợi thế để Đồng Nai mở ra không gian phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững với những sản phẩm du lịch sinh thái rừng, thác, hồ độc đáo của khu vực và cả nước. Tỉnh cũng quy hoạch và thu hút đầu tư khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí tại khu vực rừng phòng hộ Tân Phú; các đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le; khu nuôi động vật bán hoang dã phục vụ phát triển du lịch (safari); khu phức hợp và nghỉ dưỡng cao cấp khu vực hồ Bà Hào của khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai; khu du lịch Sơn Tiên; khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp hồ Cầu Mới…
Tỉnh còn khuyến khích đầu tư hoàn thiện các dự án đã và đang hình thành sản phẩm du lịch như: Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo với các sản phẩm du lịch trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc S’tiêng như tham gia các lễ hội truyền thống của đồng bảo, tham gia giã gạo bằng chày tay, homestays; Công viên văn hóa Đồng Xoài; Vườn Quốc gia Bù Gia Mập với sản phẩm du lịch trải nghiệm và khám phá sinh thái rừng; Khu lâm viên Mỹ Lệ; Khu du lịch Đảo yến Sơn Hà; điểm du lịch thác Đắk Mai với du lịch tham quan tìm hiểu lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, homestay, trải nghiệm sinh hoạt với cộng đồng dân tộc M’Nông, S’tiêng…/.
- Từ khóa:
- quy hoạch
- thu hút đầu tư
- du lịch
- Đồng Nai