Thời gian tới, ngành du lịch cần hợp lực, chọn điểm, bứt tốc, cùng nhau tham mưu để "vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam" theo hướng tạo ra liên kết.
Làm du lịch phải phát huy được giá trị của văn hóa để chạm đến trái tim, khơi dậy cảm hứng của du khách để thu hút và giữ chân du khách; Đưa du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà trở thành ngành kinh tế truyền cảm hứng. Thời gian tới, ngành du lịch cần cùng nhau tham mưu để "vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam" theo hướng tạo ra liên kết, thay vì phát triển trong không gian hẹp phải tạo ra không gian mở, tạo ra các sản phẩm du lịch thực sự đặc sắc, có chiều sâu. Đây là phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch 6 tháng cuối năm 2025 diễn ra chiều 9/7, tại Hà Nội.
Cần hợp lực, chọn điểm, bứt tốc
Du lịch là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2025, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp là làm sao để không đứt gãy trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và ngành du lịch phải nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, trên 120-130 triệu lượt khách nội địa, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thông điệp ngắn gọn được truyền tải Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 là: Hợp lực - Chọn điểm - Bứt tốc để du lịch Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á và ngành du lịch Việt Nam phải phấn đấu để đạt được mục tiêu đúng với sự ghi nhận của Tổ chức Du lịch Thế giới (UN Tourism). Phải làm du lịch bằng cả tinh thần trách nhiệm, đam mê và dựa trên nghiên cứu, khảo sát để chứng minh, phải thay đổi phương pháp tiếp cận mới, tư duy và tầm nhìn bởi du lịch là một kinh tế truyền cảm hứng bằng tình yêu văn hóa.
Đứng trước thời điểm quan trọng để chuyển mình mạnh mẽ và bước vào giai đoạn phát triển thịnh vượng, văn minh, ngành du lịch đang cần triển khai quyết liệt các giải pháp mang tính đột phá, đồng thời nâng cao vai trò của cả ba lực lượng: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Sau sáp nhập, khi có không gian mới, ngành du lịch cần phải tập trung xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam đảm bảo tính đặc biệt, đặc sắc, có độ lớn và có chiều sâu, trong đó các địa phương cần chú trọng xây dựng những sản phẩm mới và định vị thương hiệu cho các điểm.
Thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam cần xác định và tập trung vào 10 thị trường khách trọng điểm, chiến lược gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Ấn Độ, EU, ASEAN, Trung Đông và Nga để tập trung đầu tư xúc tiến quảng bá du lịch, với phương châm thị trường là trung tâm, thương hiệu là nền tảng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng lưu ý vấn đề chuyển đổi số trong ngành du lịch gắn với việc xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, đột phá, sáng tạo trong tạo ra những sản phẩm du lịch “không có dấu chân” dựa vào công nghệ 3D, dữ liệu, nền tảng. Trong quá trình chuyển đổi số, dịch vụ phải chuyên nghiệp, an toàn, ứng dụng phải văn minh và chú trọng các yếu tố văn hóa, ứng xử của người làm du lịch.
Hướng tới hoàn thành mục tiêu
Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia trong 6 tháng đầu năm, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024 (đạt 48,6% kế hoạch năm 2025); Tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 77,5 triệu lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2024 (đạt 64,5% kế hoạch năm). Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 518.000 tỷ đồng (đạt 52,8% với kế hoạch).
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ của du lịch Việt Nam sau dịch COVID-19, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho biết, du lịch Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực với chính sách thu hút khách linh hoạt đã ảnh hưởng đến lượng và chất lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Sản phẩm du lịch dù đã đa dạng hơn nhưng chưa khai thác hết tiềm năng, giá trị gia tăng thấp, thiếu hấp dẫn; công tác quảng bá còn thiếu điểm nhấn, thương hiệu du lịch quốc gia chưa nổi bật.
Một số điểm đến chưa đáp ứng kỳ vọng về chất lượng dịch vụ, đặc biệt trong cao điểm do thiếu nhân lực chuyên nghiệp; hạ tầng du lịch còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận. Trong khi hành lang pháp lý cho phát triển sản phẩm mới như du lịch nông thôn hay du lịch đêm còn chưa thuận lợi; các doanh nghiệp du lịch thiếu nguồn lực tài chính để phát triển sản phẩm, quảng bá và áp dụng chính sách ưu đãi; giá vé máy bay tăng cao trong mùa cao điểm cũng là rào cản thu hút khách.
Để tạo bứt phá trong giai đoạn tới, ngành du lịch xác định tập trung thực hiện những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trước hết là hoàn thiện thể chế theo hướng kiến tạo, sửa đổi Luật Du lịch và cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Đồng thời, đề xuất các chính sách, cơ chế đột phá như mở rộng miễn thị thực, đơn giản hóa xuất nhập cảnh, ưu đãi thuế cho lĩnh vực du lịch, tăng kết nối hàng không và khai thác hiệu quả du lịch nông nghiệp, đường sắt.
Ngành đẩy mạnh phát triển du lịch theo chiều sâu, chất lượng, bền vững, gắn với bản sắc văn hóa và di sản; xây dựng sản phẩm cao cấp, đặc thù theo vùng miền, nâng tầm trải nghiệm du khách. Việc tăng cường liên kết vùng, phối hợp liên ngành cũng được chú trọng nhằm phát triển du lịch xanh, lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm. Cơ cấu lại thị trường du lịch phù hợp với xu thế toàn cầu và bối cảnh mới, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới.
Cùng với đó là thúc đẩy hợp tác công - tư, huy động nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng, cải thiện chi phí logistics và chất lượng nhân lực. Ngành cũng sẽ tăng cường bảo đảm an toàn cho du khách, gìn giữ môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện.
Về truyền thông, quảng bá, định vị thương hiệu quốc gia sẽ được thực hiện theo chiến dịch trọng điểm, kết hợp nguồn lực nhà nước và xã hội. Cuối cùng, ngành sẽ phát triển hệ thống dữ liệu, nền tảng số phục vụ quản lý, điều hành và trải nghiệm du khách, đồng thời đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu.
“Du lịch Việt Nam đang đứng trước những cơ hội để khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế, vươn lên khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Cơ hội đó bắt nguồn từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cho hoạt động du lịch; thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa tăng trưởng trong điều kiện đã có các chính sách thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh. Đây chính là cơ sở để đưa du lịch Việt Nam lên một tầm cao mới”, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ./.
- Từ khóa:
- du lịch
- văn hóa
- Cục Du lịch Quốc gia