Sau hợp nhất, tỉnh Thái Nguyên có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, có lợi thế về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú với trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê.
Ngày 8/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình tọa đàm đánh giá về tiềm năng, lợi thế và gợi mở những giải pháp phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên sau hợp nhất.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Dương Xuân Hùng cho biết, sau hợp nhất, tỉnh có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, có lợi thế về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú với trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê. Với mục tiêu phát triển du lịch sau hợp nhất, chương trình mong muốn nhận được nhiều giải pháp chiến lược, mang tính định hướng lâu dài, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch và các di sản văn hóa, sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Thái Nguyên nổi tiếng với những “địa chỉ đỏ” được du khách biết đến như: Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; ATK Chợ Đồn; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái; Di tích lịch sử cấp quốc gia Nà Tu - nơi Bác Hồ đến thăm Đại đội thanh niên xung phong 312 năm 1951... Cùng với đó là vẻ đẹp huyền thoại của Hồ Núi Cốc; nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và đa dạng của Vườn Quốc gia Ba Bể với trung tâm là hồ Ba Bể; Mái đá Ngườm - một trong những di chỉ khảo cổ học nổi tiếng của Việt Nam; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - nơi lưu giữ bản sắc văn hóa cộng đồng người Việt; Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải được Tổ chức du lịch thế giới công nhận là một trong 32 “Làng du lịch tốt nhất thế giới” năm 2022 và là một trong hai sản phẩm OCOP du lịch 5 sao đầu tiên đến nay trên toàn quốc… Thái Nguyên còn có nhiều điểm đến du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với những vùng chè thơ mộng và cảnh đẹp thiên nhiên bên sườn đông Tam Đảo…
Năm 2024, toàn tỉnh Thái Nguyên (Thái Nguyên và Bắc Kạn) đón được hơn 4,4 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 3,8 nghìn tỷ đồng. Xét về quy mô phát triển du lịch của Thái Nguyên với các tỉnh lân cận sau hợp nhất, Thái Nguyên đứng thứ 3 về thu hút khách du lịch (sau tỉnh Tuyên Quang, Bắc Ninh) và đứng thứ tư về tổng thu du lịch (sau tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Ninh).
Theo Tiến sĩ Lê Quang Đăng, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), bên cạnh những cơ hội thuận lợi, du lịch của tỉnh Thái Nguyên vẫn tồn tại một số thách thức như: Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa thu hút được nhiều du khách quốc tế, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hạ tầng giao thông còn hạn chế, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu. Để định hướng chiến lược phát triển du lịch, Tiến sĩ Lê Quang Đăng cho rằng, Thái Nguyên cần tổ chức lại không gian phát triển du lịch, định hướng lại hệ thống sản phẩm, định vị lại thị trường và định hình lại cách làm du lịch.
Lý giải cho ý tưởng này, Tiến sĩ Lê Quang Đăng phân tích: Sau sắp xếp, tỉnh Thái Nguyên thay đổi về mặt không gian địa lý, địa giới hành chính cả cấp tỉnh và cấp cơ sở. Do đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh mới, Thái Nguyên cần tổ chức quy hoạch, phân bố lại không gian phát triển du lịch mới. Không gian này phải đảm bảo phát huy tối đa, tiềm năng, thế mạnh của tài nguyên; hình thành các trục phát triển, tuyến liên kết, cụm du lịch đồng bộ, khu du lịch trọng điểm, sản phẩm du lịch chất lượng. Ngoài ra, hệ thống sản phẩm du lịch của Thái Nguyên và Bắc Kạn (cũ) khá tương đồng, với 4 dòng sản phẩm chủ đạo là: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Việc sáp nhập có thể là sự cộng gộp về mặt không gian và tài nguyên nhưng không nên là sự cộng gộp về mặt sản phẩm. Bối cảnh mới, thời cơ vận hội mới, không gian phát triển mới, Thái Nguyên cần định hướng lại hệ thống sản phẩm, tạo thêm sản phẩm mới và làm mới sản phẩm đã có.
Các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người làm du lịch… đã chia sẻ nhiều ý kiến nhằm đưa du lịch Thái Nguyên ngày càng phát triển với quan điểm, sáp nhập không chỉ là một sự kiện hành chính mà là điểm xuất phát để du lịch Thái Nguyên bước vào một thời đại mới, mở ra cơ hội lớn để khẳng định điểm đến hàng đầu của vùng Việt Bắc, đưa du lịch trở thành trụ cột phát triển bền vững toàn vùng./.
- Từ khóa:
- Thái Nguyên
- giải pháp
- phát triển du lịch
- hợp nhất