Bến Tre chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai các tài liệu pháp luật đến các tập huấn viên, tổ hòa giải, hòa giải viên; đồng thời thường xuyên kiểm tra hoạt động của các tổ hòa giải để kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở; tiếp tục vận động để huy động nguồn lực xã hội vào công tác hòa giải ở cơ sở.
( TTXVN) Theo UBND tỉnh Bến Tre, sau 5 năm thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022", tỉnh đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần tạo chuyển biến toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian tới, tỉnh Bến Tre tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã thường xuyên thực hiện đánh giá, rà soát số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên để kịp thời củng cố, kiện toàn, đảm bảo hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải.
Tỉnh vận động, thuyết phục đội ngũ những người am hiểu pháp luật, những người đã từng công tác trong các cơ quan pháp luật, đội ngũ luật gia, luật sư tham gia hoặc hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở. Địa phương tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện, hòa giải viên; kịp thời cung cấp tài liệu, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, đảm bảo các điều kiện vật chất khác cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Bến Tre chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai các tài liệu pháp luật đến các tập huấn viên, tổ hòa giải, hòa giải viên; đồng thời thường xuyên kiểm tra hoạt động của các tổ hòa giải để kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở; tiếp tục vận động để huy động nguồn lực xã hội vào công tác hòa giải ở cơ sở.
Hằng năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Sau 5 năm triển khai đề án, các vụ việc yêu cầu hòa giải đã được các tổ hòa giải giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Các hòa giải viên tham gia tích cực trong công tác hòa giải, có tinh thần trách nhiệm với công việc, không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, vận dụng kiến thức pháp luật, uy tín để hòa giải các vụ việc, góp phần làm tăng tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn.
Tại Bến Tre, số vụ việc hòa giải giai đoạn 2019-2022 là trên 5.900 vụ việc, giảm hơn 2.452 vụ việc so với giai đoạn 2015-2018. Tỷ lệ hòa giải thành trên toàn tỉnh hàng năm luôn đạt trên 90%. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, các hòa giải viên đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, qua đó góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, khiến kiện, khiếu nại, ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Tỉnh Bến Tre hiện có 986 tổ hòa giải với hơn 7.600 hòa giải viên. Các hòa giải viên luôn được quan tâm bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, cung cấp tài liệu phục vụ công tác. Nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng cho hòa giải viên, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở tại 9/9 huyện, thành phố, với hơn 1383 hòa giải viên ở cơ sở và hội viên Hội Luật gia tham gia. Giai đoạn 2019-2022, UBND các huyện, thành phố tổ chức 44 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho lực lượng hòa giải viên ở cơ sở./.