Số liệu cho thấy, 80% cổng thông tin dịch vụ cấp tỉnh chỉ giữ chân người dùng được 2,79 phút. Bình quân, 62,42% người dùng rời đi ngay sau khi vừa truy cập.
(TTXVN) Ngày 30/11, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức Hội thảo “Đưa người dân lên môi trường số: Tăng cường cung cấp thông tin và hiệu quả tương tác qua cổng/trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương. Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông một số tỉnh, thành phố và nhiều chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực chính sách.
Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh: Để thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGCI) vào năm 2030, Việt Nam cần nhận thức rõ các tiêu chí còn chưa tốt, gồm có thông tin số (E-information) chỉ đạt 0.65/1; tham vấn trực tuyến (E-consultation) đạt 0.57/1 và tham gia vào xây dựng chính sách, xây dựng pháp luật trực tuyến (E-decision making) là 0.15/1. Việc cập nhật Nghị định 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng mang ý nghĩa quan trọng, phản ánh tư duy “cung cấp dịch vụ”, lấy người dân làm trung tâm, cụ thể ở đây là “dịch vụ cung cấp thông tin” cho người dân.
Theo ông Mai Thanh Hải, Cục Chuyển đổi số (Bộ Thông tin và Truyền thông), sau 11 năm thực hiện Nghị định 43/2011/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử (sau đây gọi chung là cổng thông tin điện tử) và các điều kiện bảo đảm hoạt động cho cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, hiện 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố đã có cổng/trang thông tin điện tử. Trang này cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả.
Ông Mai Thanh Hải phân tích các mục tiêu mới của Nghị định 42 trong việc cải thiện tính thân thiện của giao diện, khả năng tìm kiếm thông tin, khả năng tương tác hai chiều, đa dạng kênh cung cấp thông tin, cập nhật thông tin văn bản quy phạm pháp luật.
Khảo sát của Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực Phụ nữ (CEPEW) cho thấy, tỷ lệ cơ quan công khai quy chế và đầu mối cung cấp thông tin còn hạn chế. Ở cấp Trung ương có 48,1% cơ quan đã công khai đầu mối và 40,7% đã công khai quy chế cung cấp thông tin. Ở cấp địa phương, 9,5% UBND cấp tỉnh đã công khai đầu mối và 3,2% đã công khai quy chế cung cấp thông tin. Sở Tư pháp đạt tỷ lệ cao nhất ở cấp tỉnh, nhưng vẫn dưới 40%.
Đánh giá từ góc độ trải nghiệm của người dùng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) nhận xét các cổng thông tin dịch vụ cấp tỉnh chưa thành công trong việc “giữ chân” người dùng. Số liệu cho thấy, 80% cổng thông tin dịch vụ cấp tỉnh chỉ giữ chân người dùng được 2,79 phút. Bình quân, 62,42% người dùng rời đi ngay sau khi vừa truy cập.
Tại hội thảo, bà Tống Khánh Linh, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông phân tích yếu tố quyết định việc tham gia của người dân trong tương tác với chính quyền trên các cổng/trang thông tin điện tử. Thứ nhất là việc bảo đảm tính thân thiện, dễ tiếp cận với người dùng, thể hiện cụ thể 3 tiêu chí là dễ tìm kiếm thông tin; cho phép góp ý văn bản; hỗ trợ đọc thành tiếng (audio) các văn bản. Thứ hai là việc thiết lập sự tín nhiệm với người dùng, thể hiện qua 3 tiêu chí gồm bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; cho phép người dân đánh giá mức độ hài lòng.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh chia sẻ mô hình tốt của tỉnh trong việc tận dụng ưu điểm của các kênh tương tác khác nhau (Cổng thông tin điện tử, Tổng đài tiếp nhận phản ánh 1022, Zalo, Tây Ninh Smart) để tối ưu hiệu quả cung cấp thông tin và tương tác với người dân trên môi trường số.
Có đại biểu nêu kiến nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu phương án để thống nhất kênh lưu trữ văn bản, đồng thời để chia sẻ thông tin được hiệu quả, bảo đảm tương tác hai chiều cần tận dụng các kênh mạng xã hội, tiến tới phát triển các ứng dụng thông minh tích hợp như Huế S, Tây Ninh Smart.../.
- Từ khóa:
- môi trường số
- tăng tương tác
- chính quyền
- người dân