Du lịch

Chuyển đổi số để hình thành, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh

Việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi... hầu hết đều diễn ra trên môi trường số.

Quang cảnh cuộc hội thảo
Ảnh: Thanh Giang

Tọa đàm "Tăng cường hợp tác trên môi trường số, nâng cao trải nghiệm của du khách" do Traveloka Việt Nam (nền tảng du lịch và tiện ích sống) với sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức sáng 16/11 tại Hà Nội. Các đại biểu đã trao đổi, đóng góp ý kiến nhằm tìm ra giải pháp tăng cường hợp tác giữa các chủ thể trong ngành du lịch, hướng đến mục tiêu phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh và bền vững do Chính phủ đề ra trong chiến lược phát triển ngành du lịch của Việt Nam.

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu cho biết: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/1/2020 đã đề ra định hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, hướng đến hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Việc các chủ thể cùng nhau xây dựng, hợp tác và phát triển ứng dụng công nghệ, hỗ trợ du khách trên môi trường số cũng chính là cụ thể hóa nội dung Chiến lược nêu trên. Do đó, cuộc tọa đàm có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với xu hướng hiện nay.

Ông Hà Văn Siêu nêu rõ: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư lan tỏa cùng sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi khách du lịch. Việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi... hầu hết đều diễn ra trên môi trường số. Sự thay đổi của thị trường với chủ thể trọng tâm là khách du lịch đã buộc các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cũng như cơ quan quản lý cần có giải pháp thích ứng nhanh chóng và tận dụng những thành tựu công nghệ số để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động trong thời đại mới. Chuyển đổi số cũng như tăng cường hợp tác trên môi trường số là lựa chọn đúng đắn cho các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ số để nỗ lực duy trì hoạt động nhằm thích ứng linh hoạt, phát triển bền vững.

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã thông tin về nhiều nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong du lịch. Bà Huỳnh Thị Mai Thy, Giám đốc Traveloka Việt Nam cho biết, nhằm thực hiện cam kết thúc đẩy chuyển đổi số và phục hồi du lịch tại Việt Nam, Traveloka đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các trọng điểm du lịch cả nước gồm Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, Trung tâm Xúc tiến Du lịch, Thương mại và Đầu tư Kiên Giang và Sở Du lịch Hải Phòng, để quảng bá các điểm đến của địa phương, nâng cao trải nghiệm của du khách. Với các sáng kiến kịp thời nhằm hỗ trợ ngành du lịch trong bối cảnh COVID-19 và giai đoạn phục hồi sau đại dịch, Traveloka đang từng bước khẳng định trách nhiệm chung tay với Chính phủ và các đối tác trong việc phát triển du lịch bền vững.

Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) chia sẻ: Năm 2018, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó đặt mục tiêu hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh thống nhất, đồng bộ trong cả nước.

Dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho ngành du lịch nhưng cũng đã thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra nhanh chưa từng thấy. Trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Tổng cục Du lịch phát triển ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn; hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 kết nối với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19; hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine góp phần bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch, tạo thuận lợi cho phục hồi du lịch nội địa. Sau đó, trong bối cảnh mới, Tổng cục Du lịch đang tiếp tục hoàn thiện các nền tảng số du lịch quốc gia; tăng cường các sản phẩm thông minh hỗ trợ du khách, doanh nghiệp như ứng dụng Du lịch Việt Nam; Quản trị và kinh doanh du lịch.

Đặc biệt, Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh đã góp phần khuyến khích hoạt động giao dịch trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ; hỗ trợ các địa phương phát triển điểm đến thông minh: áp dụng hệ thống vé điện tử, số hóa điểm đến, thuyết minh đa phương tiện (multi-media guide)… Tổng cục Du lịch cũng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong truyền thông, quảng bá số…/.

Thanh Giang

Xem thêm