Du lịch

Xã đảo Thanh Lân - "viên ngọc ẩn" vùng Đông Bắc

Quảng Ninh

Xã đảo Thanh Lân (Quảng Ninh) lấy du lịch làm động lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống để người dân yên tâm bám biển, bám đảo, bảo vệ Tổ quốc.

“Đảo Thanh Lân - Viên ngọc ẩn vùng Đông Bắc Việt Nam” là chủ đề Hội thảo giới thiệu, xúc tiến du lịch Thanh Lân năm 2022 do UBND huyện Cô Tô (Quảng Ninh) tổ chức ngày 30/10.

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh - Văn Đức

Thanh Lân là xã đảo nằm phía Bắc của huyện đảo tiền tiêu Cô Tô, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, cách trung tâm thị trấn Cô Tô 4km (20 phút đi tàu biển) và cách đất liền Vân Đồn gần 50km (khoảng 90 phút đi tàu biển). Thanh Lân có ưu thế phát triển loại hình du lịch trải nghiệm biển đảo như: câu cá, câu mực, lặn biển ngắm san hô và kết hợp trải nghiệm giữa rừng nguyên sinh và biển.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho rằng, Thanh Lân là đảo nguyên sơ, đáp ứng được xu hướng mới - du lịch biển đảo cao cấp. Mỗi một hòn đảo đều là viên ngọc quý cho phát triển du lịch Việt Nam, do vậy cần có quy hoạch bảo vệ, gìn giữ tài nguyên, môi trường để phục vụ du lịch tăng trưởng xanh, du lịch bền vững. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Thanh Lân nên lựa chọn các nhà đầu tư vì du lịch xanh, không đầu tư về bất động sản.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Trịnh Đăng Thanh đánh giá, đảo Thanh Lân có đầy đủ tiềm năng phát triển du lịch bởi có biển với nhiều bãi tắm đẹp, người dân trên đảo thân thiện. Thanh Lân lấy du lịch làm động lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, để người dân yên tâm bám biển, bám đảo, bảo vệ Tổ quốc.

Ông Trịnh Đăng Thanh đề xuất cần tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch riêng cho xã đảo Thanh Lân. Trước mắt, xây dựng những tờ rơi, xây dựng trang thông tin điện tử riêng, hoặc quảng bá trên các nền tảng số khác quảng bá cho Thanh Lân để du khách biết nhiều hơn, tạo tiền đề phát triển du lịch trải nghiệm biển đảo ở xã tiền tiêu này. Về lâu dài, chính quyền địa phương cần xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển du lịch Thanh Lân với các nguồn lực, giải pháp thực hiện bền vững; cần có bến tàu, bến thuyền để tạo điều kiện thuận lợi về giao thông giữa đảo với đất liền.

Ấn tượng với các sản phẩm du lịch của Thanh Lân là các bãi biển đẹp, đặc biệt bãi biển Vụng Tròn phải đi qua khu rừng 400m, hay bãi Ba Châu kỳ vỹ hoang sơ, ông Nguyễn Tiến Tâm, Công ty cổ phần Hạ Long Holiday cho rằng, nếu địa phương tận dụng lợi thế cảnh quan này sẽ tạo ra sản phẩm du lịch trải nghiệm biển đảo độc đáo, hiếm có ở khu vực phía Bắc.

Bãi tắm Ba Châu, đảo Thanh Lân. Ảnh - Văn Đức

Tại hội thảo, đại diện một số công ty lữ hành đề xuất, huyện Cô Tô nên hình thành tuyến vận chuyển khách từ đảo Cô Tô sang Thanh Lân phục vụ du khách, kéo dài thời gian nghỉ dưỡng ở Cô Tô nhiều hơn; chính quyền cần có chính sách ưu đãi, ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Việc gỡ khó khăn về vận tải nên giải quyết bằng việc đầu tư các xuồng, cano vận tải khách từ đảo Cô Tô sang Thanh Lân du lịch.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Lân Nguyễn Thị Thanh Thái cho biết, mặc dù du lịch được chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm nhiều trong thời gian qua, song khó khăn lớn nhất để phát triển du lịch địa là: hạ tầng du lịch còn thiếu và yếu, hạ tầng giao thông gặp khó. Hiện nay chỉ có duy nhất chuyến tàu của Công ty Nguyên Việt đi từ Vân Đồn đi Thanh Lân, hoặc phải chuyển tiếp từ Vân Đồn đi đảo Cô Tô rồi chuyển tiếp sang Thanh Lân bằng tàu gỗ loại nhỏ.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thái, cần có cơ chế chính sách đặc thù dành cho nhân dân và các doanh nghiệp làm du lịch địa phương, cộng thêm việc tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch để biến “viên ngọc tiềm ẩn” này thành viên ngọc sáng trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Lân đưa ra những giải pháp để du lịch trải nghiệm biển đảo Thanh Lân phát triển. Đó là địa phương sẽ tăng cường truyền thông tìm kiếm thị trường mục tiêu; phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện, bến cảng, đường xá cần được nâng cao; phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng biệt. Đồng thời, địa phương hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho người bản địa; tăng cường công tác bảo vệ, giữ nguyên môi trường sinh thái…/.

Văn Đức

Xem thêm